1. Trang chủ /
  2. NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO, SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG: Kỳ 4: Những giải pháp mang tính đột phá

NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO, SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG: Kỳ 4: Những giải pháp mang tính đột phá

thứ năm, 15/9/2022 10:02 GMT+07
Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; chú trọng công tác kết nạp đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát… là những giải pháp đặt ra nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

Nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu

Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đánh giá, chúng ta có nhiều tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) đã mất vai trò lãnh đạo, mất sức chiến đấu, dẫn đến nhiều TCCSĐ bị xử lý kỷ luật; nhiều cán bộ, đảng viên - nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

“Có thể nói, nhiều TCCSĐ của ta không ngang tầm chức năng, nhiệm vụ với tư cách là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Đó là một thực trạng và trong thực trạng đó có vai trò của người đứng đầu. Nếu bí thư cấp ủy, người đứng đầu một tổ chức đảng tiền phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các quy tắc, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng thì chắc chắn sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của TCCSĐ đó sẽ tốt. Còn ngược lại, ở đâu bí thư cấp ủy không gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; không công minh, chính trực mà lại có chuyện phe nhóm, biến tổ chức đảng, biến cấp ủy đảng thành nơi hiện thực hóa ý đồ của mình sẽ dẫn đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ ở đó bị suy giảm”, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - chỉ rõ. 

PGS.TS Vũ Văn Phúc.
PGS.TS Vũ Văn Phúc.

Do đó, muốn tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thì vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng. Trong một số vụ án vừa qua, người đứng đầu cấp ủy vi phạm kỷ luật phải bị xử lý cả về mặt Đảng, chính quyền, thậm chí xử lý hình sự, như cựu Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; cựu Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh hay cựu Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long… đã cho thấy vai trò của người đứng đầu, bí thư cấp ủy bị lợi dụng. “Người đứng đầu biết phát huy dân chủ trong Đảng thì sẽ lan ra thành việc phát huy dân chủ trong toàn xã hội và tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả cơ quan, đơn vị, địa phương để việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao nhất” - ông Vũ Văn Phúc nói.

Kiến nghị phải nâng cao chất lượng của các cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, nếu chất lượng này không toàn diện, không ổn định, bền vững cả về đạo đức, trí tuệ, khoa học, bản lĩnh chính trị, phong cách dân chủ, dân vận với Nhân dân thì sẽ rất hạn chế trong việc phát huy ảnh hưởng của Đảng trong xã hội. 

Phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên “Xây dựng TCCSĐ phải kết hợp chặt chẽ với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh; với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, trước hết là bí thư đảng bộ, chi bộ, người đứng đầu và các cấp ủy viên. Phải coi trọng công tác phát triển Đảng, chọn lọc đảng viên một cách hết sức cẩn thận. Phải chăm lo giáo dục đảng viên để họ ở đâu, làm bất cứ việc gì cũng đều phát huy được tính tiên phong gương mẫu đối với quần chúng. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” phải được coi là một tiêu chí cơ bản nhất trong việc xem xét tư cách người đảng viên Cộng sản. Cái chất của người đảng viên là vào Đảng để “lãnh đạo Nhân dân”, mà “lãnh đạo là làm đầy tớ Nhân dân và phải làm cho tốt”… Mọi đảng viên, cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu như thế, phải làm như thế.”(Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương)

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Ngoài phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, để nâng cao tính chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đảng viên, đâu là những đột phá mà chúng ta có thể triển khai trong thời gian tới?

PGS.TS Vũ Văn Phúc: Theo tôi, có rất nhiều giải pháp đột phá. Trước hết, về công tác kết nạp đảng viên, chúng ta phải làm tốt công tác vận động quần chúng, bồi dưỡng, đào tạo quần chúng và thực hiện thật tốt nguyên tắc “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên và tổ chức Đảng”. Đặc biệt, phải coi trọng chất lượng hơn số lượng, phải kết nạp vào Đảng những quần chúng thực sự đủ điều kiện, xứng đáng là người đảng viên Đảng Cộng sản, thực sự là chiến sĩ tiên phong trong đội ngũ những người cộng sản theo phương châm của Lênin: “Thà ít mà tốt”. Song song với việc kết nạp những quần chúng ưu tú, chúng ta cũng phải sàng lọc đội ngũ đảng viên, xem những đảng viên nào không còn đủ tư cách, đủ phẩm chất là người đảng viên Cộng sản thì phải đưa ra khỏi Đảng.

Đột phá thứ hai là mỗi một cán bộ, đảng viên phải luôn tự mình rèn luyện, phấn đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mỗi đảng viên phải thực hiện cho đúng những lời thề khi được kết nạp vào Đảng, để thực sự xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. 

Thứ ba, TCCSĐ phải tăng cường việc giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, kiểm soát, kiểm tra đảng viên - kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý - để làm sao đảng viên không vi phạm những điều đảng viên không được làm. Nếu tổ chức đảng nào để cho đảng viên của mình vi phạm một trong những điều tại Quy định 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm” thì phải kỷ luật cả đồng chí bí thư, kỷ luật cấp ủy ở tổ chức cơ sở đó vì đã không làm tròn nhiệm vụ.

Thứ tư, phải phát huy cao độ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân tham gia xây dựng Đảng; bởi mọi việc làm tốt hay xấu của tổ chức đảng và đảng viên, Nhân dân đều biết cả. Vì vậy, trước khi nhận xét, đánh giá một đảng viên, nhất là đảng viên là lãnh đạo, quản lý, chúng ta phải xin ý kiến Nhân dân ở nơi cư trú và nơi công tác, xem đồng chí đó có xứng đáng là đảng viên hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không; đồng thời phải có nhiều hình thức xin ý kiến để Nhân dân đánh giá.

“Câu chuyện xây dựng, chỉnh đốn Đảng là câu chuyện thời sự hiện nay và nếu làm được thì Đảng sẽ vững mạnh, Nhân dân sẽ tin cậy, tự hào. Tài sản vô giá của Đảng là được Nhân dân thừa nhận, gọi là “Đảng của mình”, điều quý giá này không được để mất. Trách nhiệm xây dựng, chỉnh đốn Đảng là của toàn Đảng, toàn dân, nhưng trước hết phải là trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên nòng cốt. Phải làm thống nhất trong toàn Đảng, từ đảng bộ cấp trên đến cơ sở, địa phương trong toàn quốc, kể cả hệ thống tổ chức đảng ở nước ngoài”. (Giáo sư Hoàng Chí Bảo)

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Giải pháp đầu tiên là phải nâng cao nhận thức, trước hết trong cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo, trong những người có trách nhiệm, vì vẫn còn tình trạng xem nhẹ, coi thường, không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề. Trong nhận thức phải đặc biệt chú trọng vấn đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về chống quan liêu tham nhũng, về thực hành dân chủ...

Giải pháp thứ hai là phải đổi mới và hoàn thiện các mô hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là trong khu vực doanh nghiệp, như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… (hiện nay, nơi thì trực thuộc cấp ủy địa phương, nơi lại trực thuộc ngành dọc, cho nên phải xem xét lại, vì nhiều doanh nghiệp “trắng” đảng viên). Ngoài ra, trước tình trạng có những chi bộ, đảng bộ rất đông đảng viên, chúng ta phải thí điểm “sinh hoạt tổ đảng” như Nghị quyết 21-NQ/TW đã nêu. 

Cùng với đó, phải cải thiện về chính sách; phải có chính sách phù hợp để khuyến khích đội ngũ cán bộ tận tâm, tận lực; vừa tạo môi trường tốt cho đảng viên phấn đấu, vừa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ cũng là điều rất cần, để làm cho mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự xem xét lại chính mình, chứ không đợi đến lúc cấp trên kiểm tra, như vậy nhiều khi quá muộn, không còn cơ hội sửa chữa. 

Có thể nói, chưa bao giờ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra hệ trọng như lúc này, vì nó một mất, một còn, nó đụng chạm đến cả vấn đề sinh mệnh của Đảng và tồn vong của chế độ. Tuyên bố của Đảng ta là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, xử lý cả những sai phạm của nhiệm kỳ khóa trước, xóa bỏ tâm lý “hạ cánh an toàn”, “hy sinh đời bố, củng cố đời con”… Phải làm như vậy. Dù quyết liệt, gay gắt đến mấy cũng phải làm. Mọi nỗ lực của Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn, trong kỷ luật nội bộ, chấn chỉnh tổ chức… xét đến cùng cũng là đề cao trách nhiệm với Nhân dân, để Đảng ta xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”.