Nâng cao vai trò của cộng đồng trong phòng, chống ma túy
Kể từ năm 1988, Liên hợp quốc lấy ngày 26/6 hằng năm làm Ngày thế giới phòng, chống ma túy.
Ngày 13/6/2001, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg, lấy tháng Sáu hằng năm làm Tháng hành động phòng, chống ma túy và ngày 26/6 là Ngày toàn dân phòng, chống ma túy.
Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký Quyết định số 89/QĐ-TTg kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, theo đó trong tháng Sáu cơ quan này có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy.
Ngày 15/5/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 3426/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy từ ngày 1-30/6/2023 với chủ đề “Phòng, chống ma túy quyết liệt, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp - Vì một cộng đồng sạch ma túy.”
Bản thân tên gọi Ngày toàn dân phòng, chống ma túy và chức năng của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã nói lên rằng cuộc chiến chống tệ nạn xã hội cực kỳ phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, của cả cộng đồng, chứ không đơn thuần là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể.
Lực lượng Công an làm nòng cốt, có trách nhiệm triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy, điều tra, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch nghiệp vụ về đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Các bộ, ngành, địa phương, căn cứ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời với lực lượng công an trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy trên các lĩnh vực, địa bàn liên quan.
Cụ thể là đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới đất liền, trên biển, cửa khẩu, hàng không, bưu điện quốc tế và chuyển phát nhanh; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn, nghiêm trọng về ma túy; rà soát cơ sở vật chất, nhân lực hệ thống cơ sở y tế, công bố danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy; tăng cường tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, về hậu quả, tác hại của ma túy tới tất cả người dân, nhất là học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên - Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh... có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền các cấp trong việc vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên của mình tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Nâng cao vai trò của cộng đồng
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong công tác phòng, chống ma túy nhằm ngày càng nâng cao vị trí, vai trò của nhân dân, coi sức mạnh của nhân dân có ý nghĩa tiên quyết để thành công.
Từ khi ra đời vào năm 1997 đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) xác định, nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng bảo vệ và luôn coi trọng việc phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, sự đoàn kết, gắn bó trong các cộng đồng dân cư là phòng tuyến vững chắc, sức mạnh vô địch để đấu tranh, trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy.
Quần chúng là lực lượng trực tiếp tham gia các hoạt động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn về ma túy; hỗ trợ cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; tham gia công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện và giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện ma túy.
Quần chúng còn cung cấp kịp thời thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy và tham gia xóa bỏ việc trồng cây có chứa chất ma túy đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến trọng điểm: Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc miền Trung-Tây Nguyên, Tây Nam, tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tăng cường đấu tranh và đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.
Tính đến ngày 5/6/2023, toàn quốc có 1.092 đối tượng đang bị truy nã về ma tuý. Các đối tượng này lẩn trốn ở hầu khắp các địa phương, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi, vùng biên giới.
Ở thời điểm trung tuần tháng 6/2023, cả nước có 248.643 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người được quản lý sau cai nghiện ma túy; 2.074 người đang được áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Bởi vậy, vai trò của người dân, cộng đồng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, quản lý cai nghiện tại cộng đồng và hỗ trợ sau cai nghiện, rất cần được tăng cường.
Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) là một trong những địa phương làm tốt công tác tin báo tố giác tội phạm liên quan đến an ninh trật tự nói chung và tội phạm ma túy nói riêng.
Báo cáo tổng kết phong trào “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” (giai đoạn 2013-2023) của quận Hai Bà Trưng cho biết, các cơ quan, đoàn thể, nhân dân đã phối hợp, giúp đỡ lực lượng công an điều tra, khám phá 2.003 vụ phạm pháp hình sự; bắt 612 đối tượng truy nã, vận động 113 đối tượng phạm tội ra tự thú; bắt giữ 3.051 vụ phạm tội về ma túy...
Tại quận Hai Bà Trưng, phường Thanh Lương đã thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Vận động toàn dân tham gia công tác xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, lấy khu dân cư làm địa bàn chính trong công tác quản lý đối tượng sau cai."
Còn tại Gia Lai, theo Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh, vai trò của gia đình, cộng đồng dân cư được đề cao trong việc tự giác khai báo tình trạng nghiện, tự nguyện tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp; phối hợp tốt với các cơ sở tư vấn, dạy nghề để tạo việc làm tại gia đình, cộng đồng cho những người sau cai nghiện ma túy.
Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma tuý ở tỉnh đã tổ chức tuyên truyền Luật Phòng, chống ma tuý đối với học viên cai nghiện với chủ đề “Thanh niên nói không với ma tuý và các tệ nạn xã hội.”
Cơ sở này xây dựng chương trình phối hợp đồng hành cùng học viên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng nhằm xác định rõ mục đích, nội dung, phương pháp, thời gian và trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhằm hỗ trợ học viên sau cai nghiện hạn chế nguy cơ tái nghiện, có cuộc sống lành mạnh.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 6.300 người nghiện ma túy, trong đó có gần 1.000 người đang chữa trị, cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy; hơn 5.000 người đang sinh sống trong cộng đồng... Cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên người sau cai nghiện để họ yên tâm, hòa nhập cộng đồng; thường xuyên khảo sát, thống kê, cập nhật để nắm chắc số lượng và diễn biến tình hình nghiện ở từng cụm dân cư, tổ dân phố để mọi người nghiện ma túy đều được theo dõi, quản lý.
Để việc quản lý các đối tượng sau cai đạt hiệu quả cao, các ngành, đơn vị liên quan tích cực thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tạo sự đồng thuận và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân./.