Nắng nóng kéo dài, các khu trọ nghèo tại Hà Nội biến thành 'chảo lửa'
Trong nhà còn nóng hơn ngoài trời
Từng dải nắng gay gắt đổ xuống dãy nhà trọ nằm im lặng phía sâu con ngõ 127 phố Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội). Ở đây có khoảng 20-25 căn trọ. Sau đợt nắng nóng năm ngoái, một số người đã lắp điều hòa thế nhưng phần lớn số hộ còn lại đều là thu nhập thấp (dưới 1 triệu đồng/tháng) họ chỉ có thể tiếp tục tìm đủ mọi cách để vượt qua mùa hè tại Hà Nội. Khi được hỏi, có nhiều người nửa đùa nửa thật rằng: “sống cho xong”.
Các căn nhà tại đây được dựng lên bằng những tấm tôn, rào quanh là những bức tường có phần vôi vữa lở đi sau mỗi trận mưa to. Bà Đào Thị Yến (46 tuổi, quê tại Hà Nam) vội vã chuẩn bị nước để luộc nồi ngô và lạc. Trong khi đó, bà Hạnh (một người bán hàng rong tại chợ Long Biên) cũng loay hoay với tấm khăn mặt được dấp nước liên tục để giải nhiệt.
Bà Hạnh tâm sự: “Đây là đợt nắng nóng nhất trong năm, dù đã tìm nhiều cách nhưng chúng tôi cũng chỉ biết dấp nước lên người cho đỡ mệt. Thế nhưng vì phải tiết kiệm nước sạch cho sinh hoạt nên chúng tôi phải lấy cả nước dưới sông Hồng”.
Dù rằng trong nhà mỗi người đều có một cái quạt thế nhưng theo bà Yến cho biết, ngồi trong nhà tầm từ 8h sáng đến 5h tối bật quạt cũng không có tác dụng gì. Chạm vào những bức tường được làm từ tôn của các căn nhà trọ tại đây, cảm giác bỏng rát ngay lập tức xuất hiện. Vậy nhưng số tiền để thuê tại đây cũng lên đến 1.000.000 đồng/tháng.
Không chỉ là những gánh hàng rong, nơi đây còn là điểm dừng chân của các lao động làm cửu vạn, làm nghề đạp xích lô hay những người đánh giày. Cái nóng vừa ập đến, người dân tại nơi đây bắt đầu đem quạt đi bảo trì lại, một số khác xin dầu thừa từ những cửa hàng xe máy để về tự bôi vào quạt.
Ông Mạnh (60 tuổi), người dân sống tại xóm trọ này cho biết: “Có mấy hôm trời nóng quá, tầm 5-6h người dân tại đây đi làm về xuống tắm sông cho mát. Thế nhưng do mưa ngập nên họ không thể ra đến được bờ nữa chỉ còn biết lấy nước mưa để dấp lên người”.
Căn trọ "thiên đường" của người thu nhập thấp
Trên đường Bạch Đằng, phường Chương Dương Độ, tôi đi vào sâu bên trong một con đường tối om không nổi một cái giếng trời, khu nhà trọ “thiên đường” của người thu nhập thấp hiện lên với dáng vẻ xập xệ. Trong đó có khoảng 25 căn phòng rộng 9 m2, mỗi căn từ 2 đến 3 người ở với giá 30.000 đồng/ngày, nếu đóng theo tháng là 600.000 đồng/tháng. Vừa mới đến trước cửa nhà, tôi đã nghe thấy hai người nhặt ve chai nói chuyện: “Hôm nay chị đi lượm lon chai được 3.000 đồng”. Người phụ nữ đối diện vừa cười vừa đáp: “Em may mắn hơn được hẳn 10.000 đồng”.
Trong thời tiết nắng như đổ lửa, không khí ẩm mốc bốc lên từ những hành lang của khu trọ. Ở mỗi căn phòng chật hẹp, họ chỉ có đơn sơ 1-2 cái quạt cây. Để giải nhiệt, họ phải để phía trước quạt một chậu nước lớn. Trước phòng của mỗi người đều có một tấm bìa các-tông dài để chắn lối vào. Người dân nói rằng: “Ở đây có rất nhiều chuột nên buộc phải chắn như vậy”.
Căn phòng của họ tuềnh toàng đến mức chỉ có duy nhất một đường dây điện, khi ngoài đường đã tối hẳn họ mới dám lắp đèn vào để sáng. Những chiếc xoong cũng chỏng trơ trên nền bê tông, thứ giá trị nhất của họ là một chiếc nồi cơm điện, nhưng có những ngày họ còn chẳng có gạo để nấu. Đến tối, trong 9 m2, ba người phải loay hoay để có thể duỗi chân ngủ. Gia đình ông Nguyễn Văn Thụy (quê tại Nam Định) cùng vợ và con gái có đến ba người, hai ông bà nằm trên chiếc giường ọp ẹp có rải một chiếc chiếu rách. Chị Phương, con gái ông phải đặt mấy tấm gỗ nhặt được ngoài đường xuống đất để làm thành giường.
Chị Phương chia sẻ: “Ở trong những nơi như này, nóng không đã đành mà còn ẩm thấp, nhiều muỗi nữa. Các nhà cao tầng xung quanh che khuất đi khoảng sân của căn nhà nên gió cũng không vào được. Mọi người ở nhà còn ngột ngạt hơn cả đi làm bên ngoài. Vì vậy, có những hôm đi làm chúng tôi thường trú tại một bóng cây nào đó trong ngõ nhỏ để nghỉ”.
Ông Thụy cho biết: "Nếu có tiền chúng tôi cũng đã chuyển lên khu Phúc Tân để ở cho sạch sẽ nhưng dạo gần đây làm ăn vẫn khó khăn, vật giá tăng lên chóng mặt, tiền thuốc của tôi còn chưa đủ chứ không nói đến việc tìm nơi ở".
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng gay gắt với mức nhiệt từ 36 - 38 độ sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới. Tình hình thời tiết có thể gây ra tình trạng mất nước, say nắng do sốc nhiệt với cơ thể khi tiếp xúc với mức nhiệt cao. Đồng thời, trung tâm khuyến cáo người dân mức độ UV đang rất cao và không để nắng tiếp xúc trực tiếp với da.