Nâng tầm giá trị hạt lúa
Ông Huỳnh Văn Cầu, ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long chia sẻ, khi sử dụng phân hóa học lúa thường bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, chi phí sản xuất tăng do giá phân bón cùng các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, ông Cầu chuyển sang sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm vi sinh thay thế cho phân hóa chất và thuốc bảo thực vật, lúa không còn bị bệnh đạo ôn lá và sâu bệnh cũng ít xuất hiện hơn.
“Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ban đầu có năng suất tương đương với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cao hơn, an toàn, thân thiện với con người và môi trường. Khi chúng tôi bán lúa ra thị trường cũng có giá cao hơn nhiều lần so với lúa thông thường nên người nông dân có lãi lớn”- ông Cầu chia sẻ.
Ông Huỳnh Quốc Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho biết, việc trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả kép vừa giảm được chi phí về sản xuất, đặc biệt là hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Chi phí sản xuất giảm từ 10 - 20%, lúa ít sâu bệnh, phát triển tốt, năng suất vẫn bảo đảm từ 6,5 - 7,5 tấn/ha. Quan trọng là tạo ra được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân chia sẻ, 2 năm trở về trước, phần lớn nông dân vùng sản xuất tôm - lúa chưa mạnh dạn thay đổi lối sản xuất, nên lúa bị đánh đồng là có dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Lúa bị mất giá trị, việc tiêu thụ cũng bị hạn chế. Từ khi thực hiện sản xuất lúa theo quy trình an toàn, các hộ dân tại địa phương dần nhận thức được việc thay đổi cách dùng phân, thuốc chính là giúp cho họ có nhiều sản phẩm chất lượng hơn nên, người này kéo theo người kia, dần dần chuyển đổi sang mô hình trồng sạch, an toàn.
Ông Khưu Văn Sây - Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Nông nghiệp Bạc Liêu là một trong số những doanh nghiệp tiên phong trong việc ký kết hợp tác, bao tiêu sản phẩm của tỉnh chia sẻ, dù còn bỡ ngỡ về phương thức sản xuất sạch, hữu cơ do chưa hiểu công dụng của việc phân hữu cơ giúp cây lúa phát triển đồng đều và hấp thu tốt trong đất nhưng với hỗ trợ kỹ thuật của ngành chuyên môn, hỗ trợ về cơ sở vật chất của doanh nghiệp, nông dân đã từng bước tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, giảm sử dụng hóa chất trên đồng ruộng.
Hiện tại tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Liên minh hợp tác xã Lúa thơm - Tôm sạch để tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình. Liên hiệp này có 21 hợp tác xã thành viên, với diện tích sản xuất hơn 4.000 ha, tổng nguồn vốn hoạt động là 3 tỷ đồng. Khi tham gia vào Liên hiệp, các hợp tác xã sẽ được tạo điều kiện tham gia các chuỗi giá trị sản xuất phát triển bền vững, mở ra điều kiện mới, sức mạnh mới trong quan hệ với các đối tác trên thị trường.