NATO bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử
Chiến dịch “Air Defender 23”, do Đức dẫn đầu sẽ diễn ra đến ngày 23/6, bao gồm khoảng 250 máy bay quân sự từ 25 quốc gia trong khối NATO và các quốc gia đối tác bao gồm Nhật Bản và Thụy Điển, những nước đang muốn tham gia liên minh.
Có khoảng 10.000 quân sẽ tham gia vào các cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng tương tác và chuẩn bị để bảo vệ chống lại máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong trường hợp các thành phố, sân bay hoặc cảng biển trong lãnh thổ NATO bị tấn công.
Trình bày các kế hoạch vào tuần trước, Trung tướng Không quân Đức Ingo Gerhartz cho biết, “Air Defender” được hình thành vào năm 2018 là phản ứng đối với việc Nga sáp nhập Crimea nhưng nó “không nhằm mục tiêu nào cả”.
Ông nói: “Chúng tôi là một liên minh phòng thủ và đó là cách cuộc tập trận này được lên kế hoạch. NATO sẽ bảo vệ ‘từng cm’ lãnh thổ của mình”.
Đại sứ Mỹ tại Đức Amy Gutmann cho biết cuộc tập trận sẽ khẳng định "sự linh hoạt và nhanh nhẹn của lực lượng đồng minh của chúng tôi". “Tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu có bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới lại không lưu ý đến những thông điệp về tinh thần và sức của liên minh mà cuộc tập trận này thể hiện”, bà nói. “Bằng cách hợp tác với nhau, chúng tôi đang nâng sức mạnh lực lượng của mình lên”.
Phần Lan và Thụy Điển đều đã nộp đơn xin gia nhập. Theo Điều 5 của NATO, một cuộc tấn công vào một thành viên của liên minh được coi là một cuộc tấn công vào tất cả.
Cuộc tập trận sẽ bao gồm huấn luyện cấp độ tác chiến và chiến thuật, chủ yếu ở Đức, ngoài ra còn ở Cộng hòa Séc, Estonia và Latvia. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng sẽ đến thăm các phi công đóng tại sân bay Schleswig-Jagel ở miền Bắc nước Đức.
Tướng Michael Loh, Giám đốc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Mỹ, cho biết: “Có rất nhiều thay đổi về chiến lược trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Âu”.
Ông Loh cho biết thêm, cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc “bổ sung sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở châu Âu” cũng như cung cấp hoạt động huấn luyện “ở quy mô lớn hơn so với những gì thường được thực hiện ở lục địa này”.
Ông cho biết, đây sẽ là lần đầu tiên đối với nhiều phi công của liên minh khi được làm việc cùng nhau. Ông nói: “Đây là hành động thúc đẩy các mối quan hệ cũ mà chúng ta đã có, nhưng cũng xây dựng những mối quan hệ mới với thế hệ phi công trẻ này”.
Gutmann nói rằng mặc dù không có kế hoạch biến “Air Defender” thành một cuộc tập trận định kỳ, nhưng bà cho biết: “Chúng tôi không muốn đây là cuộc tập trận cuối cùng”.
Khi được hỏi về khả năng gián đoạn hoạt động vận tải hàng không dân sự trong cuộc tập trận, Gerhartz cho biết những người lên kế hoạch sẽ làm “mọi thứ trong khả năng của mình” để hạn chế các chuyến bay bị hoãn hoặc hủy.
Chính quyền Đức đã cảnh báo rằng lịch trình bay có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc tập trận.