1. Trang chủ /
  2. NATO loại trừ việc gửi quân tới Ukraine, Nga chỉ trích phát biểu của ông Macron

NATO loại trừ việc gửi quân tới Ukraine, Nga chỉ trích phát biểu của ông Macron

thứ tư, 28/2/2024 09:31 GMT+07
Mỹ và các đồng minh chủ chốt của NATO hôm thứ Ba (27/2) cho biết họ không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bỏ ngỏ về khả năng này. Trong khi đó, Điện Kremlin cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ dẫn đến xung đột giữa Nga và NATO.

Tổng thống Macron hôm thứ Hai đã nói rằng các đồng minh phương Tây không nên loại trừ bất kỳ lựa chọn nào trong việc tìm cách ngăn Ukraine thất bại trong cuộc chiến với Nga, mặc dù ông nhấn mạnh rằng chưa có sự đồng thuận nào ở giai đoạn này.

nato loai tru viec gui quan toi ukraine nga chi trich phat bieu cua ong macron hinh 1
Binh sĩ Ukraine bắn pháo tự hành 2S1 Gvozdika về phía quân đội Nga gần thị trấn Chasiv Yar ở vùng Donetsk, Ukraine vào ngày 22 tháng 2 năm 2024. Ảnh: Reuters

Bình luận của ông được đưa ra tại một cuộc họp được triệu tập khẩn cấp của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris về cách tăng cường hỗ trợ Ukraine, trong bối cảnh Kiev đang gặp khó khăn trên chiến trường trong cuộc xung đột với Nga do trạng thiếu đạn dược và cả binh lính.

Tuy nhiên, Đức, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan và Cộng hòa Czech đều không đề xuất gửi quân tham chiến tại Ukraine, cuộc xung đột hiện đã bước sang năm thứ ba.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm thứ Ba: "...Sẽ không có bộ binh, không có binh lính nào trên đất Ukraine được các nước châu Âu hoặc các nước NATO gửi đến đó". Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng nói với các phóng viên trong chuyến thăm Áo rằng đây “không phải là một lựa chọn đối với Đức”.

Nhà Trắng sau đó nhắc lại rằng họ cũng không có kế hoạch gửi quân, thay vào đó kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ phê chuẩn gói viện trợ an ninh đang bị đình trệ nhằm đảm bảo quân đội Ukraine có vũ khí và đạn dược cần thiết để tiếp tục chiến đấu.

Nhằm làm rõ phát biểu của ông Macron, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne hôm thứ Ba cho biết Tổng thống đã có ý định cử quân đội thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như hỗ trợ rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí tại chỗ và phòng thủ mạng. Sejourne nói: “Điều này có thể yêu cầu sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt qua ngưỡng chiến đấu”.


Ngay sau khi thông tin về khả năng gửi quân xuất hiện, Nga nhanh chóng đưa ra cảnh báo. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên: “Việc thảo luận về khả năng gửi một số quân từ các nước NATO tới Ukraine là một yếu tố mới rất quan trọng”.

Khi được hỏi về những rủi ro nếu các thành viên NATO triển khai quân tới Ukraine, ông Peskov nói: "Trong trường hợp đó, chúng ta cần nói không phải về khả năng xảy ra mà là về tính không thể tránh khỏi của một cuộc xung đột trực tiếp".

Nga và Mỹ có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Joe Biden từng cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và NATO có thể gây ra Thế chiến thứ ba.

Cố vấn Tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, hoan nghênh đề xuất của ông Macron và cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy châu Âu nhận thức rõ ràng về nguy cơ Nga chiến thắng tại Ukraine

Nhân dịp này, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy kêu gọi các nước châu Âu tăng cường viện trợ đạn pháo và vũ khí tầm xa cho Ukraine. Cộng hòa Czech trong tháng này đã công bố kế hoạch, với sự hỗ trợ của Canada, Đan Mạch và các nước khác, về việc mua nhanh hàng trăm nghìn viên đạn từ các nước thứ ba để gửi cho Ukraine.