1. Trang chủ /
  2. Nét đẹp nghề trống làng Trung Hậu

Nét đẹp nghề trống làng Trung Hậu

thứ hai, 31/7/2023 15:19 GMT+07
Nghề làm trống ở làng Trung Hậu xã Diễn Hoa, Diễn Châu (Nghệ An) tuy không phát triển mạnh mẽ như nhiều làng trống khác nhưng vẫn được con cháu dòng họ Lê âm thầm lưu giữ như một nét văn hóa không chỉ trong dòng tộc mà xa hơn là cả xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu.
Nghề trống vẫn được lưu truyền trong con cháu dòng họ Lê. Nghề trống vẫn được lưu truyền trong con cháu dòng họ Lê.

Theo người trong dòng họ Lê thì vào đầu thế kỷ XX, cụ Lê Văn Trung, làng Trung Hậu làm nghề dép da, trong những năm đi bán dép ngoài Bắc đã học được nghề làm trống ở đất Hà Nam sau đó đưa nghề về cho làng.

lang-nghe-5.jpg
Nghề trống vẫn được lưu truyền trong con cháu dòng họ Lê.

Tính đến nay dòng họ Lê đã trải qua 5 đời làm trống. Việc làm trống từ xưa tới nay chỉ được truyền lại cho các thế hệ con cháu trong dòng họ Lê, không truyền cho người ngoài.

Tuy không phải dịp lễ Tết nhưng ông Lê Văn Tam và con trai vẫn miệt mài làm trống. Trong xưởng của cha con ông Tam chất đầy gỗ mít, da trâu và hàng chục chiếc trống to nhỏ.

Ông Tam cho biết: "Nghề làm trống này được cha tôi truyền lại, tôi làm rồi lại dạy thêm cho con trai làm. Thời đó, làm thủ công nên rất vất vả, ròng rã cả tháng trời mới hoàn thành một chiếc trống to, loại mặt rộng 2m trở lên, còn các loại trống nhỏ hơn cũng phải mất cả chục ngày nhưng nay có máy móc rồi mình sáng tạo thêm nên thời gian rút ngắn hơn rất nhiều.

Nghề chỉ truyền cho người trong dòng họ Lê và chỉ truyền cho con trai nên trong gia đình bây giờ tôi và con trai chỉ chuyên làm trống. Tuy thu nhập không cao lắm, mỗi tháng dăm bảy triệu cũng đủ chi tiêu nhưng quan trọng nữa là giữ gìn được nghề truyền thống cha ông".

Trước đây dòng họ Lê có gần 20 hộ làm trống nhưng bây giờ thanh niên đi học rồi làm ăn xa nhiều, nên chỉ còn 7 hộ làm. Trống làng Trung Hậu có tiếng là loại trống đánh rền vang, bền và đẹp mắt. Vì vậy, nó đã có mặt khắp thị trường Nghệ An, xa hơn là cả khu vực miền Trung và sang tận nước bạn Lào.

lang-nghe-4.jpg
Trống làng Trung Hậu được người dân sử dụng trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa.

15 tuổi, anh Lê Linh đã được cha truyền nghề. Trải qua 30 năm nỗ lực anh đã trở thành người thợ làm trống giàu kinh nghiệm. Mỗi tháng anh đóng được 15 chiếc trống, mang về thu nhập 6 triệu đồng.

Anh chia sẻ: Sản xuất một chiếc trống phải nặng lòng, trăn trở và tỉ mẩn, chăm bẵm từng chi tiết. Trải qua công đoạn chọn gỗ, chọn da, người thợ làm trống phải khéo léo xẻ gỗ thành hình cong của tang trống phù hợp với kích thước đã tính toán.

Những tấm gỗ mít xẻ cong này sẽ được người thợ ghép thành tang trống trong những đai thép cố định sẵn thành vòng tròn tồi tỉ mỉ để sửa các chi tiết ghép nối cũng như làm đẹp mặt ngoài của tang trống.

Việc mài trơn thành trên của tang trống sẽ đảm bảo độ kín trong quá trình căng da sau này. Sau khi phần tang trống được hoàn thiện, người thợ làm trống sẽ đo kích thước của mặt trống và cắt da để tiến hành căng ca. Tấm da trống sẽ được kéo bằng những sợi dây cố định với một khung gỗ phía dưới.

Hàng ngày, thợ trống sẽ đem chiếc trống đã được căng da ra phơi nắng. Quá trình phơi, da trống sẽ giãn ra. Thợ trống tiếp tục siết căng dây kéo, đồng thời tác động lực đều đặn lên mặt trống để làm da tiếp tục giãn căng.

Cho tới khi cảm thấy độ giãn của mặt trống đã đạt yêu cầu kỹ thuật, người thợ sẽ cố định mặt da vào tang trống bằng những chốt tre. Việc tiếp theo là sơn, kẻ hoa văn trống theo yêu cầu của người sử dụng.

Trống phải đảm bảo độ căng của da bề mặt, độ bền và âm của tiếng trống mỗi khi vang lên. Một cái trống đại có giá khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, để làm được một cái trống đại tốn rất nhiều công sức. Do giá cao nên trống đại thường có khách đến đặt cơ sở mới tiến hành làm.

Những chiếc trống của làng Trung Hậu ra đời với tất cả các quy trình nói trên đã đủ nói lên cái tâm của người làm nghề. Vì vậy trống ở đây được khách hàng ưa chuộng tìm về mua. Trung bình mỗi năm có trên 1.000 chiếc trống của làng tỏa đi khắp nơi, góp mặt vào lễ hội tại các làng xã.

Xã Diễn Hoa trước đây có nhiều nghề truyền thống như dệt vải, thêu ren, đan rổ rá, tuy nhiên với sự tâm huyết của những người con dòng họ Lê nên đến nay duy chỉ nghề làm trống còn được lưu giữ. Nghề làm trống không giúp cho người thợ làm giàu nhưng cũng bảo đảm cuộc sống của gia đình.

lang-nghe-1.jpg
Anh Lê Văn Tam đang hoàn thiện chiếc trống đại để kịp giao cho khách hàng.

Quan trọng hơn, những người thợ đã góp phần gìn giữ được một nghề truyền thống độc đáo cho gia đình, dòng họ và vùng quê Trung Hậu.

Ông Cao Thành Lê. Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Hoa, cho biết: Nghề trống Trung Hậu có lúc thăng lúc trầm, việc mua nguyên liệu làm trống mỗi ngày một khó khăn hơn nhưng người thợ ở đây luôn có ý thức gìn giữ nghề truyền thống, phát huy được tay nghề, làm ra những chiếc trống chất lượng cao, tạo được niềm tin nơi khách hàng.

Trong vài năm trở lại đây, trước nhu cầu đặt trống của các trường học, đình, chùa, miếu, các đội lân ở nhiều địa phương ngày càng nhiều nên nghề làm trống phát triển mạnh hơn. Xã cũng ưu tiên để nghề trống phát triển, nếu nhân rộng thêm nhiều hộ sẽ tiến tới xây dựng làng nghề trống Trung Hậu.