Ngân hàng xoay xở chờ nới hạn mức tăng trưởng tín dụng
Câu chuyện về hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng đang phần nào hạ nhiệt khi Ngân hàng Nhà nước mới đây vừa phát đi tín hiệu rằng sẽ sớm bổ sung hạn mức tăng trưởng cho các ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết chậm nhất là đầu tuần sau sẽ thông báo điều chỉnh nốt phần còn lại của room tín dụng cho các ngân hàng để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phần điều chỉnh này vẫn nằm trong con số 14% mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.
Room tín dụng là vấn đề liên tục "nóng" trong thời gian qua khi nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng được cấp ngay từ những quý đầu năm dẫn đến tình trạng dư vốn nhưng không thể cho vay mới. Trong khi đó, doanh nghiệp và người dân sau thời gian dài "ngủ đông" vì dịch bệnh lại đang "khát" vốn để phục hồi.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng tỉnh cho biết nhu cầu vay vốn trong những tháng cuối năm của người dân và doanh nghiệp thường tăng cao, nhất là trong giai đoạn kinh tế đang trên đà hồi phục sau dịch bệnh như hiện nay. Nhưng chi nhánh đã sử dụng gần hết room tín dụng ngay trong nửa đầu năm nên dư địa không còn là bao để đáp ứng nhu cầu vốn từ nay đến cuối năm.
"Điều này khiến cho chi nhánh rơi vào thế khó. Nếu đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, chi nhánh sẽ vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng. Ngược lại thì ngân hàng phải chấp nhận nghe phàn nàn của doanh nghiệp và người dân vì không vay được vốn. Hoặc phải chờ khách hàng cũ trả nợ, ngân hàng mới có thể giải ngân khoản vay mới," vị lãnh đạo chia sẻ.
Thậm chí, một lãnh đạo ngân hàng khác còn cho biết ngân hàng ông phải áp dụng biện pháp kỹ thuật là tăng lãi suất cho vay thêm từ 0,5-1%/năm so với trước để hạn chế hồ sơ vay vốn. Việc xét duyệt hồ sơ, lựa chọn khách hàng cho vay cũng phải "co kéo" rất khéo cho vừa hạn mức còn lại.
Đây không phải câu chuyện của riêng ngân hàng nào. Room cạn, tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế cũng đã chậm lại đáng kể. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến ngày 15/8/2022 cho thấy tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% trong khi từ hồi cuối tháng 6/2022, con số này đã đạt tới 9,35%.
Theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, các tổ chức tín dụng từ nay tới cuối năm sẽ còn khoảng 460.000 tỷ đồng có thể giải ngân ra thị trường.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng gần chạm trần, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm quy mô trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ để có thêm dư địa cho vay.
Như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), trong quý 2/2022, ngân hàng này đã chủ động giảm tới 4.300 tỷ đồng số dư trái phiếu doanh nghiệp để dành ''room'' cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian đầu quý 3. Còn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), dư nợ trái phiếu cũng đã giảm từ 77.000 tỷ đồng xuống còn 49.000 tỷ đồng trong quý 2, tương ứng giảm 36%.
Tương tự tại các ngân hàng lớn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 0,7% lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ so với hồi cuối quý I/2022, xuống còn 11.608 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm 18% quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp, xuống còn 10.967 tỷ đồng.
Giới chuyên gia nhận định các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và mô hình quản trị rủi ro tốt sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Mặt khác, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém cũng sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng hơn.
Một số cái tên "sáng giá" được dự báo sẽ sớm có thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng là Vietcombank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), VietinBank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)...
Ngoài ra, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng là nhân tố tiềm năng được bổ sung room tín dụng khi mới đây ngân hàng này đã lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.
Còn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tuy không nằm trong danh sách ngân hàng cạn room nhưng giới phân tích dự báo cũng có thể nằm trong danh sách nới room đợt này bởi ngân hàng có tham gia việc tái cơ cấu một số quỹ tín dụng nhân dân.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Không nên chờ đến quý 4 cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát "êm" rồi mới nới room tín dụng. Như vậy sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn-Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng lạm phát hiện nay tại Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy nên Ngân hàng Nhà nước có thể cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý.
Room tín dụng cần được ưu tiên cấp cho những ngân hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả, lãi suất vay phù hợp để cho vay đối với những doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt và ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên…/.
Theo Lê Phương (TTXVN/Vietnam+)