1. Trang chủ /
  2. Ngăn ngừa tham nhũng, 'lợi ích nhóm' trong xây dựng, thi hành pháp luật

Ngăn ngừa tham nhũng, 'lợi ích nhóm' trong xây dựng, thi hành pháp luật

thứ tư, 16/8/2023 10:48 GMT+07
Đây là vấn đề trọng tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/8.
Hình ảnh tại phiên chất vấn. (Ảnh: Quochoi.vn) Hình ảnh tại phiên chất vấn. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đấu giá trực tuyến để hạn chế thông đồng, dìm giá

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp diễn ra sáng 15/8, các vấn đề liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản được nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đề cập. Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá về thực trạng chất lượng hoạt động của đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá hiện nay và cho biết giải pháp nâng cao tính chuyên nghiệp trong thời gian tới.

Trả lời Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện nay, chúng ta có 1.200 đấu giá viên và kết quả thực hiện cũng tương đối tốt. “Trong thời gian 5 năm (2018 - 2022), tổng số cuộc đấu giá thành là 151.000/201.000, với giá khởi điểm là 416.000 tỷ đồng. Tổng số giá bán được lấy số tròn là 526.000 tỷ, chênh lệch so với giá khởi điểm là 110.000 tỷ”, Bộ trưởng dẫn chứng và khẳng định đóng góp có thể lượng hóa được rất rõ của hoạt động đấu giá tài sản.

Thừa nhận vẫn có “những việc này, việc khác”, trong đó có câu chuyện về năng lực của đấu giá viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định sẽ cố gắng để xử lý trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, như nâng cao tính chuyên nghiệp; đề ra một số tiêu chuẩn bắt buộc hơn, chặt chẽ hơn, kể cả trong quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá…

Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu thực tiễn đấu giá tài sản cho thấy phương pháp xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường. Đấu giá còn xảy ra tình trạng ép giá hoặc “thổi giá”... Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin, ở nước ta, hơn 90% hoạt động đấu giá là tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất. Theo Bộ trưởng, Luật Đấu giá tài sản là luật về hình thức còn quy định về giá khởi điểm ở trong pháp luật về đất đai.

“Câu chuyện này chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý ở trong Luật Đất đai sắp tới. Còn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thì có nhưng chỉ là ngoại lệ. Trong Dự thảo Luật Đấu giá lần này, chúng tôi có căn chỉnh để làm tốt hơn và siết chặt hơn các các điều kiện tham gia”, Bộ trưởng thông tin.

Ngăn chặn cài cắm “lợi ích nhóm” vào các văn bản pháp luật

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hiệu quả để kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy. Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) quan tâm đến chế tài đối với việc cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” vào các văn bản pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh Quochoi.vn

Trả lời về vấn đề kiểm soát quyền lực trong hoạt động xây dựng văn bản, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, đối với cơ quan hành pháp, hiện có rất nhiều biện pháp, như Chính phủ phải báo cáo giải trình hoặc cử các thành viên trả lời chất vấn, có các báo cáo mỗi năm; sự giám sát của các đại biểu QH, các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của QH. Bản thân Chính phủ cũng giám sát quyền lực. “Tôi vẫn hy vọng rằng có những công cụ tốt hơn nữa và hiệu lực hơn nữa, đặc biệt là các quy định của Đảng. Sự vào cuộc của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán cũng là một cảnh tỉnh để các Bộ, các ngành, các cơ quan, trong đó có cả Bộ Tư pháp ý thức hơn được về việc của mình, phân định làm sao “rõ công, rõ việc” đúng như Tổng Bí thư nói rằng là “phải đúng vai và phải thuộc bài’”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nêu việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định yêu cầu thực hiện tốt Nghị quyết này.

Về chế tài, Bộ trưởng Bộ Tư pháp gợi mở về việc cụ thể hóa các yếu tố để xem xét xử lý kỷ luật khi không thực hiện nghiêm những quy định về công chức, công vụ. “Ví dụ như quy định phải hoàn thành tốt hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng rà lại thì thấy chậm hoặc thực hiện không đúng quy định, chức trách về công vụ của mình. Khi đó, ngoài ảnh hưởng đến uy tín, không bầu, không đề xuất “thăng quan, tiến chức” phải nhấn mạnh hơn kỷ luật về công chức, công vụ, như công bố đầy đủ thông tin ra sao, khiển trách, cảnh cáo thế nào và thậm chí cho thôi chức vụ”, Bộ trưởng nói.

Về chế tài về hình sự, theo Bộ trưởng, thông qua một số vụ điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã có những phân tích về các vi phạm mà chừng mực nào đó có “lợi ích nhóm”, như thẩm quyền không đúng, ban hành gấp gáp... Do vậy, nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành thì xử lý hình sự, hoặc kỷ luật đảng.

Trả lời tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng có thể lượng hóa được hậu quả, thất thoát về tài sản, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của Nhà nước, của người dân do việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về giải pháp xử lý, Bộ trưởng cho rằng, có những giải pháp tổng thể, cũng có những giải pháp cụ thể, bao gồm từ ban hành văn bản đến thiết kế luật bảo đảm khả thi, phù hợp, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, bảo đảm thời hạn ban hành để có hiệu lực cùng với luật. Đặc biệt, hiện nay, Đảng ta đang thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác tham mưu, xây dựng, ban hành thể chế, Bộ trưởng hy vọng đây sẽ là công cụ hiệu quả, hiệu lực để giải quyết vấn đề này.