Ngành dệt may hưởng lợi rất lớn từ 15 Hiệp định thương mại tự do
Thị trường dệt may bứt phá mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2022 Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 18,65 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số ấn tượng đối với ngành dệt may trong bối cảnh vừa trải qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19.
Trong đó, hàng may mặc vẫn tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu đạt 16,94 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; theo sau là, xuất khẩu vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất khẩu xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD, tăng 22,3%; xuất khẩu vải không dệt đạt 452 triệu USD, tăng 25,5%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, trong nửa đầu năm 2022, ngành dệt may xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng năm 2021. Đây là nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.
EU là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu tăng ở hầu hết các thị trường sau giai đoạn chững lại do dịch Covid-19, trong đó, các thị trường tăng mạnh nhất là Đan Mạch (tăng 133,4%), Đức (tăng 46,3%), Tây Ban Nha (tăng 42,8%), Hà Lan (tăng 29,4%).
Theo nhận định của Virac, nếu như trong năm 2021, các doanh nghiệp dệt may có nhà máy đặt tại phía Nam (nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19) ghi nhận kết quả tiêu cực, thì trong 6 tháng đầu năm 2022, mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân của các doanh nghiệp dệt may tại khu vực phía Nam đạt khoảng 15%.
Hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước đều có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11/2022 do sự chuyển dịch đơn đặt hàng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, bất chấp áp lực lạm phát.
Theo Tổng Giám đốc công ty May 10 Thân Đức Việt, May 10 đã ký hợp đồng với các đối tác nhập khẩu từ nay đến quý I/2022, một số đơn hàng được ký đến quý II/2022, những mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022, đủ để doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất.
Trên thực tế, ngành dệt may xuất siêu là nhờ vận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do với 15 hiệp định có hiệu lực đã mở rộng hành lang thị trường với hàng dệt may Việt Nam. Trong đó, một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam bứt phá nhờ áp dụng công nghệ tự động hoá, nhiều nhà máy đầu tư lớn, sử dụng mô hình quản trị số. Công nghiệp kéo sợi cũng đi đầu trong trong chiến lược phát triển đa dạng hóa thị trường, giảm mức độ lệ thuộc cho nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may.
Theo nhận định của Virac, ngành dệt may Việt Nam ngày càng phát triển nhanh về xanh hoá, bền vững, chuyển hoá sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, tiết kiệm nguồn nước nhờ đó đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế và được khách hàng tín nhiệm cao.
Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc đã góp phần mang lại kết quả tích cực với ngành dệt may Việt Nam. Thách thức của ngành dệt may Mặc dù thị trường dệt may được nhận định khởi sắc trong năm nay, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Tổng cầu dự báo sẽ không tăng nhiều.
Trong “eo hẹp” của tổng cầu, các quốc gia cạnh tranh với dệt may Việt Nam đều đang nỗ lực để tăng thị phần xuất khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch 5 năm lần thứ 14 dành riêng cho ngành dệt may và tham vọng mục tiêu mở rộng thị phần ở những phân khúc có giá trị gia tăng cao nhất, tạo sức ép không nhỏ với dệt may Việt Nam trong năm 2022.
Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực không nhỏ khi phát triển theo đòi hỏi của thị trường. Như châu Âu, đang đưa ra những chính sách yêu cầu các sản phẩm dệt may khi xuất khẩu vào châu Âu phải có nguồn gốc bông, vải, sợi rõ ràng hay phải dùng các sản phẩm tái chế, trong đó có tái chế từ sợi của quần áo cũ,… Theo báo cáo của Virac, lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng ở nhiều nước trên thế giới khiến chi phí sản xuất tăng cao. Cụ thể, giá bông tăng 19,1%, giá dầu thô tăng 40%, giá xăng trong nước tăng 67%, chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng từ 20 – 25%.
Virac dự báo giá của các nguyên liệu đầu vào ngành dệt may như bông, xơ, sợi, vải tiếp tục có xu hướng tăng; và các chi phí logistics như giá container, chi phí vận chuyển vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Việc tăng chi phí sản xuất sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp gặp những khó khăn về tài chính. Trong những tháng cuối năm 2022, đơn hàng dệt may trên thế giới có thể bị thu hẹp do hàng loạt tác động xấu lên nền kinh tế như lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhưng Việt Nam vẫn có những lợi thế, nếu tận dụng tốt, ngành dệt may vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Cụ thể, khai thác những thị trường Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do, nhiều tập đoàn quốc tế đang tiếp tục phân bổ lại chuỗi cung ứng để không quá lệ thuộc vào một vài thị trường lớn. Nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của đối tác thì sẽ dễ dàng nhận được đơn hàng.