Ngành Tài chính kiến nghị xử lý tài chính qua thanh tra, kiểm tra trên 43 nghìn tỷ đồng
Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị sơ kết ngành Tài chính 6 tháng đầu năm và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2023 tổ chức sáng 13/7/2023 cho biết, tính đến ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính đã thực hiện 31,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 343,2 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 8,1 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan.
Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 43 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 11,2 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 8,4 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 31,9 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai 15 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; 2 đoàn kiểm tra đột xuất và 15 đoàn kiểm tra nội bộ các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đã ban hành 14 kết luận và báo cáo 01 cuộc kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính trên 2,96 nghìn tỷ đồng, trong đó: kiến nghị nộp NSNN 2,7 nghìn tỷ đồng.
Cơ quan Thuế đã thực hiện 29.616 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 37.494.318 triệu đồng, trong đó: Tiền truy thu, truy hoàn là 5,9 nghìn đồng; giảm lỗ là 28 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1,1 nghìn tỷ đồng), ban hành 26.818 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2,4 nghìn tỷ đồng. Số tiền đã nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 6,1 nghìn tỷ đồng.
Cơ quan Hải quan đã thực hiện 956 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có 822 cuộc kiểm tra sau thông quan; kiến nghị nộp NSNN gần 336 tỷ đồng; đã nộp (bao gồm cả số năm 2022 chuyển sang) 386,7 tỷ đồng.
Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) triển khai 16 cuộc thanh tra, kiểm tra trong đó 09 cuộc theo kế hoạch và 07 cuộc đột xuất. Trên cơ sở kết quả kết quả giám sát thường xuyên, UBCKNN đã ban hành 187 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 71 tổ chức và 116 cá nhân với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 18,3 tỷ đồng; đồng thời áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung đối với 09 trường hợp gồm 03 tổ chức và 06 cá nhân có hành vi vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động chứng khoán; yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 02 trường hợp tổ chức công bố thông tin sai lệch.
Ngoài ra, các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đã đề ra. Qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong 6 tháng đầu năm, đã điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 8,1 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, tăng 7,1% so năm 2022; trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng; trong đó có nhiều vụ vận chuyển pháo nổ qua biên giới, buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản, vận chuyển trái phép ma túy, ngoại tệ, ngà voi, sừng tê giác,… với các phương thức, thủ đoạn tinh vi phức tạp hơn. Cơ quan hải quan đã khởi tố 18 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 59 vụ, số tiền thu nộp NSNN 314,8 tỷ đồng.
6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.