1. Trang chủ /
  2. “Ngáo quyền lực” trên mạng xã hội

“Ngáo quyền lực” trên mạng xã hội

thứ hai, 20/3/2023 08:08 GMT+07
Một số chủ nhân của các kênh mạng xã hội nổi tiếng, view cao đã có tâm lý “ngáo quyền lực”, từ đó gây ra những hành vi phản cảm, góp phần làm nhiễu loạn môi trường mạng.
Vlogger đăng tải quá trình phẫu thuật thẩm mỹ lên mạng xã hội. Vlogger đăng tải quá trình phẫu thuật thẩm mỹ lên mạng xã hội.

Thói quen độc hại

Mới đây, sự việc nữ vlogger khá có tiếng trên mạng đăng tải những clip “bóc phốt” một bác sĩ phụ sản thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện thụ tinh nhân tạo cho mình khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Theo đó, một người phụ nữ, chủ nhân một kênh vlog có gần 800 nghìn người đăng kí đã kể lại hành trình thụ tinh nhân tạo của mình. Trong các video clip, người này trải qua hành trình thể hiện sự đau đớn khi tiêm thuốc kích trứng, rồi khóc lóc, vật vã vì đau lòng, tố cáo bác sĩ T. “thiếu trách nhiệm, không có tâm” trong quá trình thực hiện việc thụ tinh nhân tạo. Những clip nói trên liên tục gây ồn ào “cõi” mạng.

Sau đó, nhân vật “bác sĩ T.” lên tiếng giải thích về sự việc, cho biết bản thân vlogger đã liên hệ bác sĩ T. để yêu cầu được thụ tinh nhân tạo miễn phí, đổi lại nữ vlogger này sẽ “quảng cáo giùm” trên kênh của mình nhưng bác sĩ T. từ chối. Cạnh đó, quá trình thực hiện thụ tinh nhân tạo, vlogger này cũng thiếu nghiêm túc, không tập trung, thường xuyên đi quay cũng như không tuân thủ thời gian bác sĩ sắp xếp.

Hiện một số clip vlogger này tố cáo bác sĩ T. cũng đã “biến mất” trên mạng.

Trước đó, vlogger này cũng nổi tiếng là người thường đưa “tất tần tật” mọi hoạt động của mình lên kênh youtube. Youtuber này thường xuyên phẫu thuật thẩm mỹ và liên tục đăng tải những clip diễn tả quá trình phẫu thuật của mình lên mạng.

Thời gian qua có không ít vlogger sở hữu những kênh nổi tiếng, thường làm nội dung bằng cách “đưa tất tần tật” lên mạng. Có những thông tin khá “tế nhị” như ghi lại quá trình thụ tinh nhân tạo tìm con, mâu thuẫn cá nhân, quá trình phẫu thuật thay đổi diện mạo cơ thể...

Không ít Tiktoker hiện nay còn xây dựng nội dung các video clip theo kiểu “khoe chuyện phòng the” bằng cách ăn mặc gợi cảm, mô tả thói quen sinh hoạt của bản thân và bạn tình. Nhiều vlogger khác thì thích “khoe” như khoe của, khoe thân, khoe cuộc sống hàng ngày, khoe con... nhưng đi về hướng “quá lố”. Một số thói quen đăng tải độc hại khác của các vlogger có thể kể đến là ăn uống phản cảm, nói tục chửi thề, chê bai, đấu khẩu với người khác để “kiếm view”.

Cần xử lý nghiêm hành vi gây rối trên mạng

Không chỉ đăng tải tràn lan thông tin độc hại, phản cảm trên kênh riêng, nhiều vlogger còn bị “ngáo quyền lực” khi dùng kênh mạng xã hội của mình để tấn công người khác hoặc dành các lợi lộc về phía mình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chuyện “ảo tưởng sức mạnh” trên mạng là không hiếm. Thời gian qua, một loạt tiktoker chuyên “review” món ăn đã bị cộng đồng mạng và các chủ quán ăn, nhà hàng “tẩy chay” vì thái độ không đúng mực. Ỷ vào sức ảnh hưởng nhất định của mình trên mạng, các tiktoker này yêu sách đối với các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống, đòi tiền để “review” tốt, chê bai không tiếc lời với các quán ăn không chịu hợp tác hoặc làm họ “phật ý”. Cạnh đó, những hành vi ồn ào, mất trật tự, nhố nhăng của một số tiktoker tại quán ăn cũng khiến thực khách bức xúc, chủ quán phẫn nộ.

Nhiều vlogger, hễ đụng chuyện, có mâu thuẫn với người khác, sẵn sàng lên mạng làm to chuyện, “bóc phốt”, khẩu chiến kịch liệt với ngôn ngữ “chợ búa” với đối thủ, thậm chí còn kéo nhau đi “dằn mặt” đối phương.

Cách đây không lâu có trường hợp “hot girl” bán hàng trên mạng cũng vì khẩu chiến trên mạng, hăm dọa và hành hung người khác, cuối cùng bị pháp luật xử lý.

Một số nhân vật “đình đám” trên mạng xã hội đã bị cơ quan công an tạm giam sau thời gian điều tra. Các cá nhân này đã lợi dụng quyền tự do, dân chủ để “làm mưa làm gió” trên không gian mạng, mặc sức phát ngôn xúc phạm, bôi xấu người khác, gây ra dư luận xấu trên mạng xã hội.

Kết cục của những cá nhân này cũng là bài học lớn cho “người nổi tiếng” trên mạng xã hội. Để biết rằng các ứng dụng mạng chỉ là công cụ chứ không phải vũ khí và mỗi một hành động trên mạng đều phải được sự điều chỉnh của đạo đức và pháp luật, không phải nhiều view, nhiều fan hâm mộ thì “muốn làm gì thì làm”.