Nghệ An: Bảo tồn tục cúng Mo Ma của đồng bào dân tộc Thổ
Tục cúng Mo Ma được chắt lọc, truyền bá cho nhiều thế hệ
Cũng như các dân tộc anh em khác, việc Mo cúng hay ông Mo là đại diện cho thế giới dương gian, hành sự với phần âm, giải quyết những nghị sự tâm linh, tín ngưỡng phụng thờ có đạo lý của cộng đồng dân tộc Thổ, đã được chắt lọc truyền bá cho nhiều thế hệ theo thời gian. Tuy có phần mai một hay thay đổi một số chi tiết trong lời cúng, cũng như chi tiết của nghi lễ, nhưng giá trị cốt lõi vẫn còn được truyền giữ rải rác và sót lại ở một số ít ỏi ở các ông Mo, thầy cúng và một số già làng ở các bản người Thổ nơi vùng đất Phủ Quỳ (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).
Qua sưu tầm, tìm hiểu và khai thác ở các Mo Thổ như: Mo Trương Nhụy Mày ở xã Văn Lợi; Mo Khang, Mo Dịch, Mo Hanh ở Nghĩa Xuân… đều thấy được những dấu tích của ảnh hưởng phần nào các giá trị văn hoá Mường, có pha lẫn chút ít văn hoá Việt ở Đồng bằng Nghệ An. Theo nghiên cứu lịch sử dân tộc học đã xuất bản, vào đầu thế kỷ 17 do ảnh hưởng giặc giã, sự cai trị bóc lột của quan sai ngày đó, do vậy mà có hai luồng thiên di chính để hình thành đồng bào Thổ ở miền Tây Nghệ An.
Việc đó cho thấy thêm ở Mo Thổ, đều có xưng là Mo Mường cho dù việc thiên di trên họ hiểu còn mơ màng, nhưng trong Mo thì lại xưng là Mo Mường mà không ai bỏ. Tuy thực tế không thấy ai đi sưu tầm từ dân tộc Mường, nhưng ở trong Mo tổ truyền họ vẫn nhắc và tự xưng là Mo Mường được truyền nổ từ “mường Cun, mường Kan, từ Pôông - Pụt Đạc - Xeng Hạ - Dương” truyền về.
Nói về Mo Thổ thì ở tất cả các bản làng của người Thổ cho dù ở nơi đâu, nhiều hay ít, xa xôi hẻo lánh hay nơi trung tâm đông đúc dân cư, khi trong nhà có người chết thì việc đầu tiên là cử người đi rước Mo về cúng Ma, người đi rước Mo chỉ cần cau trầu, nén hương, chai rượu, rước ông Mo ở làng này không được thì phải đi làng khác có ông Mo để mời cho bằng được.
“Việc tử mời Mo, việc sinh thì mời bà đỡ”, có Mo thì khi đó mọi công việc mới chu tất, Mo mường cúng trong đám ma, Mo vái cúng đơm cho người còn sống. Cúng ma nhà thì chỉ cúng cho ông bà tổ tiên trên bàn thờ gia tiên vào các dịp lễ Tết, mồng năm ngày rằm…
Khi trong nhà có người ngã sự tắt thở qua đời, thì người chủ nhà cùng với anh em họ tộc, xóm làng đứng ra tổ chức tang lễ, như bây giờ là 24 tiếng đồng hồ, còn trước kia người Thổ làm ma, có nhà còn làm ma từ 3 - 7 ngày, giết mổ bao nhiêu là trâu gà lợn (tuy nhiên họ có nghề “Quán, iểm” cho khỏi hôi thối). Cúng Mo phải bắt đầu từ khi ngã sự cho đến lúc chôn cất xong xuôi, phải làm hết các tục lễ Mo (Mường), mới thôi, nếu làm thiếu, không đủ sẽ bị chê trách cả đời.
Mang tính tâm linh, có tính nhân văn, giáo dục truyền thống sâu sắc
Như vậy, Mo Thổ nhằm mục đích thoả mãn về tín ngưỡng tâm linh, trong đó có ảnh hưởng lớn về thái độ, hành vi của con người trong dân tộc mình. Thông qua Mo kể khá bài bản về đạo đức tâm lý và lẽ sống của con người được chắt lọc truyền bá từ thế hệ này, đến thế hệ khác mà không có một ai chủ trương hoặc cử người đào tạo, mà từ trong dân gian đã chấp nhận nó một cách trân trọng và để tồn tại, chỉ tiếc là việc bảo tồn, truyền bá chưa được thấu đáo, hoàn hảo và chú trọng hơn.
Mo Thổ cho đến nay đã mai một khá nhiều, do nhiều nguyên nhân, chủ quan, khách quan và tính chất xã hội, tuy nhiên các giá trị truyền khẩu vẫn được duy trì, lưu truyền. Đến những năm 2000 theo tìm hiểu cứ có khoảng 5.000 dân mới có một vài ông Mo, nhưng những ông Mo thực sự nắm bắt và am hiểu tường tận khá đầy đủ thì rất hiếm.
Tục và bài cúng ma nhà của dân tộc thổ là tục cúng linh hồn ông, bà tổ tiên, tại bàn thờ gia tiên. Thường diễn ra trong các dịp lễ, Tết như mừng nhà mới, cơm mới cưới hỏi hoặc các việc trọng đại cần cáo lễ với âm hồn ông bà tổ tiên tại gia tiên, tục cúng ma nhà là lễ tục truyền thống mang tính tâm linh của người Thổ, có tính tôn nghiêm trang trọng. Đồng thời, còn có tính nhân văn, giáo dục truyền thống sâu sắc trong gia đình và cộng đồng người Thổ.
Ông Mo (thầy cúng) đại diện thay lời gia đình, con cháu cáo lễ, bằng bài cúng ma nhà mời linh hồn ông, bà tổ tiên về bàn thờ gia tiên mời ăn, hưởng hương hoa lộc là của con, cháu đã tu sửa sắm sanh, sắp đều đầy đủ ngay ngắn trên bàn thờ tổ tiên để rồi phù hộ độ trì, bênh vực và chở che mọi sự bình an tốt lành. Trong lúc cúng Ma nhà, khi cáo tổ tiên, người thổ thường kết hợp cáo các vị thần linh như, thổ thần, thổ công, thần long mạch và thần bếp.
Lễ cúng được chuẩn bị chu đáo sạch sẽ, theo tục lễ truyền thống gọn nhẹ nhưng phải đúng đủ và trang nghiêm như: hương hoa, trà thuốc, rượu và trầu cau, một cỗ xôi, một con gà trống kẹp cánh cùng với bánh trái hoa quả nếu có, đèn, nến hương, một đôi (keo) để xin âm dương. Tất cả đồ lễ được chuẩn bị chu tất rồi bày trên bàn thờ tổ tiên.
Việc cúng là do ông Mo sẽ thực hiện bài cúng và chủ trì buổi lễ, con cháu đứng dự lễ và vái, lạy khi ông Mo cúng xong, rồi Mo xin với vong linh ông, bà tổ tiên và các thần linh về hưởng hương hoa lộc là của con cháu để rồi phù hộ độ trì cho con cháu, an lành mạnh khoẻ, cầu phúc, cầu lộc đắc thành, cầu cho tai qua nạn khỏi, trong ngoài, trên dưới gia đình được bình an.