Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa
“Cánh đồng hoang” - bộ phim vang danh thế giới đến từ nghệ sĩ tài năng.
Những người chuyên chở “Chân - Thiện - Mỹ”
Năm 1951, trong Thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
70 năm qua, 19 chữ vàng ấy đã trở thành nguồn động viên, thôi thúc lớp lớp văn nghệ sĩ rời bỏ “tháp ngà” để hòa mình cùng Nhân dân đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở thời bình, biết bao nghệ sĩ đã lăn lộn vào cuộc đời, phản ánh những góc khuất chân thực, gai góc của cuộc sống, đem lại nhiều tác phẩm giá trị cho nhân dân, cho đất nước.
Có thể kể đến biết bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ như thế trong những năm qua. Những nghệ sĩ đã sáng tác ra những tác phẩm văn học văn học đầy trăn trở với phận đời, phận người. Những bài hát thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước. Những tác phẩm sân khấu, điện ảnh đầy nhân văn, thôi thúc con người ta hướng đến “Chân - Thiện - Mỹ”.
Trên văn đàn Việt, những năm qua, người ta chứng kiến sự hình thành và phát triển những cây viết tài năng, có phẩm chất. Có thể kể đến các thế hệ nhà văn “sau 1975”, như Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Phan Hồn Nhiên, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Phong Việt... Những cây bút ấy, bằng sự sắc sảo và tâm huyết với nghiệp văn chương, đã tìm tòi, khơi mở những con đường mới, luôn làm mới mình và góp phần khiến văn đàn không bị cũ, mòn đi trong mắt độc giả trong nước.
Trong âm nhạc, nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng đã cống hiến hết mình cho nghề với những tác phẩm âm nhạc hay, trở thành bất hủ qua các thời đại. Những nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đặng Hữu Phúc, Huy Du, Lưu Hữu Phước, những nghệ sĩ Thu Hiền, Thanh Hoa, Quý Dương, Trung Kiên... đã đem âm nhạc gắn liền với những giá trị đẹp đẽ, nhân văn, với tình yêu nước, yêu Tổ quốc, hướng về cách mạng. Những tác phẩm âm nhạc, giọng ca của họ đã để lại những di sản quý báu cho đời sau. Để rồi, tiếp nối là nhiều thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ tài có tài năng, có đạo đức, đem tác phẩm âm nhạc làm đẹp cho đời, vun đắp chiều sâu tâm hồn con người.
Có những nghệ sĩ, với tài năng và phẩm chất của mình, quảng bá nền văn hóa Việt ra thế giới, đem lại niềm tự hào cho dân tộc. Những danh họa Đặng Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn... mà các tác phẩm hội họa giờ đây vẫn được giới hội họa thế giới săn lùng, ngưỡng mộ. Thừa kế di sản của họ và phát huy di sản ấy là những họa sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam ngày nay, như Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân...
Trong điện ảnh, một thế hệ đã xa đã làm nên những tác phẩm kinh điển, vang động cả điện ảnh trong nước lẫn thế giới, phơi bày những góc khuất chiến tranh và sự kiên cường, lòng yêu nước của người Việt. Những tác phẩm điện ảnh: Cánh đồng hoang, Mùa Gió Chướng (Đạo diễn Hồng Sến), Bao giờ cho đến tháng Mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Con chim vành khuyên (đạo diễn Nguyễn Văn Thông và đạo diễn Trần Vũ)... đã trở thành chuẩn mực của nền điện ảnh nước nhà. Và tiếp sau đó là những thế hệ đạo diễn tài năng, cho ra đời những tác phẩm ghi dấu vào lịch sử điện ảnh Việt Nam, nâng tầm điện ảnh Việt trên trường quốc tế. Có thể kể đến các tác phẩm điện ảnh qua các thế hệ như: Mùi Đu Đủ Xanh của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, Mùa len trâu của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Áo Lụa Hà Đông do Lưu Huỳnh đạo diễn, cho đến các tác phẩm điện ảnh giá trị những năm gần đây như Đảo của dân ngụ cư do Hồng Ánh đạo diện, phim Song Lang của đạo diễn Việt kiều Leon Quang Lê...
Bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân.
Khó có thể kể hết những thế hệ, những cái tên nghệ sĩ đã miệt mài cống hiến, làm nên một bề dày văn hóa, nghệ thuật Việt, miệt mài gầy dựng, truyền tải những giá trị Chân - Thiện - Mỹ đến mỗi một người thưởng lãm. Với những nghệ sĩ ấy, danh vọng hay tiền bạc từ hoạt động nghệ thuật không phải là điều đầu tiên mà họ quan tâm đến. Trong tâm hồn những nghệ sĩ chân chính, điều quan trọng nhất là tác phẩm của bản thân đem lại được giá trị tốt đẹp nào cho cuộc đời, cho con người.
Đánh thức những giá trị thiêng liêng
Ngàn năm văn hiến, những văn, nghệ sĩ từ thời xa xưa cho đến thế hệ nghệ sĩ trong chiến tranh, cận đại... đã để lại cho Việt Nam hôm nay những di sản trân quý vô cùng. Nhưng, thời gian qua, đã có không ít những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Đó đây, có không ít nghệ sĩ vì danh vọng, tiền bạc mà bất chấp tất cả. Họ sáng tạo, trăn trở vì nghệ thuật thì ít, mà chiêu trò thì nhiều. Họ bất chấp danh dự, phẩm giá để khoe thân, gây ra những hành vi câu view rẻ tiền trên truyền thông, mạng xã hội để được nổi tiếng, hâm nóng tên tuổi. Nhiều nghệ sĩ khác, dựa vào sự yêu thương, tín nhiệm của khán giả để quảng cáo bừa những sản phẩm kém chất lượng, tiền thu vào túi, người tiêu dùng bị đầu độc thì mặc kệ.
Không ít nghệ sĩ khác, phụ kì vọng của khán giả bằng những hành động thiếu trách nhiệm, khuất tất trong hoạt động thiện nguyện. Khiến đồng tiền không thể đến tay người cần, khiến người dân bất mãn, mất đi niềm tin.
Lại có những nghệ sĩ, không những không nỗ lực nâng cao dân trí, đem đến những tác phẩm hay cho đời, lại góp phần kéo thẩm mỹ khán giar bằng những bài hát nhố nhăng, rẻ tiền, nội dung tục bậy, xúc phạm tôn giáo, lịch sử, ném “rác văn hóa” vào khán giả.
Rồi những nghệ sĩ lấy “scandal” làm thú vui, thích phát ngôn bừa bãi thiếu trách nhiệm, gây hoang mang dư luận, những nghệ sĩ có lối sống xa hoa, trụy lạc, đời tư không trong sáng...
Những rối loạn, nhiễu nhương trong làng giải trí đã khiến những năm qua, người dân mất đi ít nhiều sự trân trọng với hai tiếng “nghệ sĩ”. Danh hiệu thiêng liêng ấy đã bị rẻ rúng hóa, bởi một bộ phận nghệ sĩ giả hiệu, hoặc biến chất.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Chính phủ vừa phê duyệt, có nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo. Và trong đó đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt. Có thể thấy, trách nhiệm của văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa là hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa của dân tộc. Đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm văn hóa không vững mạnh, thì khó mà thực hiện các mục tiêu đã đề ra, như phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Cũng khó lòng “hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hoà bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.
Hơn lúc nào hết, nghệ sĩ giờ đây càng cần thấm nhuần lời dạy của Bác, xem mình là một chiến sĩ kiên cường trên mặt trận văn hóa. Hơn lúc nào hết, đất nước cần tới họ, để hoàn thành các mục tiêu lớn lao trong chiến lược văn hóa của hai mươi năm tiếp theo.
Những nghệ sĩ không chịu thức tỉnh, không đổi thay, sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải khỏi guồng phát triển văn hóa, bởi chính khán giả, bởi thể chế, quy định của pháp luật, bởi xu thế của xã hội.
Thay đổi để phát triển, không chỉ là sứ mệnh thiêng liêng của nghệ sĩ khi được trao truyền những di sản của tiền nhân, mà còn là trách nhiệm gánh trên vai từ khi bước vào con đường nghệ thuật. Trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng.