1. Trang chủ /
  2. Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp: Ngăn chặn, xử lý trường hợp “lách luật”

Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp: Ngăn chặn, xử lý trường hợp “lách luật”

thứ năm, 22/9/2022 12:08 GMT+07
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định, doanh nghiệp cần đảm bảo hồ sơ để tăng tính trung thực và những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, tuân thủ pháp luật, thực hiện công khai thông tin đầy đủ sẽ tiếp tục có cơ hội tốt để huy động vốn trên thị trường.

Tiếp tục phát triển thị trường minh bạch, bền vững

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng nhanh, bình quân khoảng 467.000 tỷ đồng/năm. Riêng khối lượng phát hành năm 2021 đạt mức 637.000 tỷ đồng, quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP. “Mặc dù đạt được những kết quả tích cực về quy mô huy động vốn nhưng sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh các rủi ro mới” - ông Dương nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ Tài chính, mộtsố DN có tình hình tài chính yếu nhưng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, khối lượng lớn; quy định hiện chỉ cho phép nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ, NĐT tự chịu rủi ro khi quyết định đầu tư nhưng thực tế nhiều NĐT cá nhân nhỏ, lẻ không tìm hiểu kỹ quy định và thông tin về trái phiếu, đã vi phạm quy định để trở thành NĐT chuyên nghiệp, mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư theo pháp luật dân sự.

Bên cạnh đó, một số tổ chức cung cấp dịch vụ về tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, kiểm toán, thẩm định giá, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký trái phiếu chưa tuân thủ quy định pháp luật, chưa đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, hỗ trợ DN phát hành, NĐT hợp thức hóa hồ sơ chào bán, hồ sơ xác định NĐT chứng khoán chuyên nghiệp hoặc cố tình chào mời không đúng đối tượng NĐT đối với TPDN riêng lẻ.

“Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mộtsố điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CPcủa Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trườngTPDN minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả DN phát hành và NĐT, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua. Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường quản lý, giám sát, bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế” - ông Dương nhấn mạnh.

Tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật

Chia sẻ những điểm mới của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, đại diện Bộ Tài chính lưu ý, DN cần đảm bảo hồ sơ để tăng tính trung thực.

Với việc ban hành quy định mới về phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ,BộTài chính tiếp tục khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật. Các DN phát hành phải bảo đảm tính trung thực của hồ sơ chào bán trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích, có trách nhiệm giải thích cho NĐT các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích và trách nhiệm pháp lý của các bên khi phát hành và đầu tư TPDN.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ chỉ được cung cấp các dịch vụ theo đúng quy định pháp luật và phạm vi dịch vụ cung cấp; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự quản lý giám sát của cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, một trong những giải pháp chính được thể hiện trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP là việc tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật.

Theo ông Điền, hiện số lượng các tổ chức phát hành là rất nhiều nên nguồn lực của cơ quan quản lý không thể kiểm tra hết các DN.Tuy nhiên, giải pháp có thể thực hiện là tập trung thanh tra, kiểm tra qua đầu mối là các tổ chức cung cấp dịch vụ. Qua việc thanh tra, kiểm tra các tổ chức này nếu phát hiện có vấn đề thì cơ quan chức năng có thể tiếp tục kiểm tra tới các tổ chức phát hành. Trường hợp phát hiện vi phạm, hoặc cố tình “lách luật”, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm để răn đe.

Trong các nội dung về kiểm tra giám sát, Nghị định bổ sung trách nhiệm giám sát của Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký và trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong việc quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ Tài chính có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện cơ chế chính sách; quản lý, giám sát tổ chức kiểm toán, DN thẩm định giá khi cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát các tổ chức tín dụng khi cấp phép cho các tổ chức này cung cấp dịch vụ đấu thầu, đại lý phát hành trái phiếu.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 265 ra ngày 22/9/2022)