1. Trang chủ /
  2. Nghi ngờ khả năng tài chính của chủ đầu tư siêu Dự án Hồ Tràm

Nghi ngờ khả năng tài chính của chủ đầu tư siêu Dự án Hồ Tràm

thứ ba, 12/12/2023 21:19 GMT+07
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), so với tiến độ yêu cầu hoàn thành dự án vào năm 2014 quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2008, tiến độ thực hiện Dự án Hồ Tràm đã được điều chỉnh thêm 11 năm nhưng Nhà đầu tư vẫn không thể thực hiện tiến độ đúng với cam kết.

Cho điều chỉnh thêm 11 năm vẫn chậm tiến độ

Theo quy định tại Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), Dự án Hồ Tràm (Dự án) đã phải hoàn thành và đưa vào hoạt động các khu C, D, B, E (E1+E2) với tổng số gần 5.000 phòng khách sạn và các tiện ích. Tuy nhiên, Dự án hiện mới hoàn thành và đưa vào hoạt động khu C và khu E2 (sân golf và khu kỹ thuật) gồm hơn 1.100 phòng và một số công trình tiện ích khác.

ho-tram-vietnamnet-1303.jpg
Một góc dự án Hồ Tràm (Ảnh_Vietnamnet.vn)

Theo hồ sơ dự án, việc điều chỉnh tiến độ của Dự án đã được chấp thuận qua nhiều lần điều chỉnh GCNĐKĐT. Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận gia hạn tiến độ thực hiện thêm 6 năm (từ tháng 12/2014 sang tháng 12/2020) tại lần điều chỉnh GCNĐT lần thứ 4 và Sở KH&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục gia hạn tiến độ thực hiện thêm 4,5 năm (từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2025) tại lần điều chỉnh GCNĐKĐT lần thứ 8.

Đáng lẽ, Dự án phải hoàn thành xây dựng cơ bản và đưa toàn bộ hạng mục vào kinh doanh tối đa đến hết năm 2025. Nhưng so với tiến độ yêu cầu hoàn thành dự án vào năm 2014 quy định tại GCNĐT lần đầu năm 2008, tiến độ thực hiện Dự án đã được điều chỉnh thêm 11 năm nhưng Nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện tiến độ đúng với cam kết.

Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm (Nhà đầu tư) giải trình lý do về việc chậm tiến độ của dự án là do ảnh hưởng của dịch COVID-19; giao thông kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thực sự thuận lợi; thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý về xây dựng, thiết kế bị kéo dài.

Đánh giá Dự án có quy mô lớn, đã tạo được điểm nhấn cho du lịch, tạo sức lan tỏa thu hút được các nhà đầu tư khác đầu tư ở huyện Xuyên Mộc, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vẫn lạc quan cho rằng, Nhà đầu tư vẫn đang thúc đẩy quá trình đầu tư, tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. “Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế và rà soát của UBND, cũng như các nguyên nhân chậm triển khai nêu trên và quy mô Dự án, việc điều chỉnh tiến độ thực hiện theo đề nghị của Nhà đầu tư là có cơ sở xem xét”, tỉnh này nêu quan điểm.

Căn cứ quy định về thẩm quyền điều chỉnh GCNĐKĐT, quyền hạn, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về đầu tư và nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh trong việc giám sát, đánh giá đầu tư , Bộ KH&ĐT lưu ý: Với việc chậm tiến độ triển khai của Dự án, đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới Dự án chậm triển khai để khẳng định rõ việc Dự án có đủ điều kiện để giải quyết các thủ tục hành chính như điều chỉnh GCNĐKĐT theo quy định của pháp luật hay không. .

Có thể xem xét chấm dứt hoạt động nếu tiếp tục vi phạm

Theo Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (về các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư và thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất), một trong các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất là do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh.

Về vấn đề này, theo Bộ KH&ĐT, việc chậm triển khai Dự án do cả nguyên nhân khách quan (như dịch bệnh, các thủ tục về xây dựng, quy hoạch, phòng cháy chữa cháy, hạ tầng kết nối) và chủ quan của Nhà đầu tư (thay đổi phương án vận hành dự án, thủ tục nội bộ) và đây là các nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Bộ quản lý nhà nước về đầu tư cho rằng, việc Nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh tiến độ hoàn thiện toàn bộ dự án tới tháng 12/2027 (điều chỉnh 24 tháng so với tiến độ được quy định tại Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 781/QĐ-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ) là phù hợp với điểm a khoản 4 Điều 117 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, đối với từng hạng mục cụ thể thì đa phần thời hạn điều chỉnh tiến độ hoàn thành đều trên 24 tháng (khu B, D1 điều chỉnh 3 năm; khu D2, E1 điều chỉnh 5 năm; khu E2 điều chỉnh 7 năm; khu Trung tâm điều chỉnh 2 năm 7 tháng; khu A điều chỉnh 2 năm).

Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát tiến độ thực hiện của Dự án, các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án và trao đổi với Nhà đầu tư để thống nhất lại việc điều chỉnh tiến độ hoàn thành của từng hạng mục phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của Dự án.

Đồng thời quy định rõ các hạng mục đầu tư và vốn đầu tư của từng giai đoạn; tiến độ huy động và giải ngân vốn đầu tư; tiến độ hoàn thành xây dựng cơ bản và đưa vào kinh doanh các hạng mục đầu tư tại GCNĐKĐT điều chỉnh để làm cơ sở theo dõi, kiểm tra, giám sát.

“Trường hợp Công ty không thực hiện đúng nội dung quy định tại GCNĐKĐT điều chỉnh và đã bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì Dự án sẽ bị chấm dứt hoạt động theo khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Năng lực tài chính của Nhà đầu tư đến đâu?

Theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020, năm 2021 và năm 2022 ghi nhận Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm phát sinh lỗ liên tiếp. Tại thời điểm 31/03/2023, Công ty đã lỗ lũy kế bằng 68% vốn chủ sở hữu (449.045.927 USD/660.000.000 USD). Về vốn chủ sở hữu: theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thực hiện dự án phải đảm bảo không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của dự án (tương đương 634.500.000 đô la Mỹ). Theo Bảng cân đối kế toán ngày 31/3/2023, Công ty ghi nhận vốn chủ sở hữu là 210.954.073 đô la Mỹ. Về khả năng huy động vốn: hồ sơ của doanh nghiệp không có thông tin về phương án huy động vốn và việc đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện tiếp các giai đoạn tiếp theo của Dự án.

Căn cứ quy định của pháp luật về đất đai và Hồ sơ Dự án, Bộ KH&ĐT thấy rằng, tại thời điểm thẩm định, Nhà đầu tư chưa đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ- CP. Mặt khác, theo báo cáo thực hiện Dự án, vốn giải ngân đến nay chỉ chiếm 30,59% tổng vốn đầu tư nên số vốn còn lại để tiếp tục thực hiện Dự án là lớn (khoảng 2.921 triệu USD). Do đó, trường hợp Dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu Nhà đầu tư: (i) góp đủ số vốn chủ sở hữu để thực hiện Dự án; (ii) cụ thể phương án huy động vốn các tổ chức tín dụng để đảm bảo tính khả thi của việc huy động phần vốn để tiếp tục thực hiện Dự án.