Nghịch lý thiếu hàng nghìn giáo viên nhưng chậm phê duyệt đào tạo sư phạm
Theo quy định, đến 17 giờ ngày 30/7 là hạn cuối đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2023. Thế nhưng đến 31/7, Trường Đại học Hồng Đức vẫn chưa có chỉ tiêu đào tạo khối ngành sư phạm.
Vào ngày 29/7, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức Bùi Văn Dũng ban hành thông báo về việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhóm ngành đào tạo giáo viên vào Trường Đại học Hồng Đức năm 2023.
"Đến thời điểm này, Trường Đại học Hồng Đức chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Do đó, thí sinh có nguyện vọng học ngành đào tạo giáo viên tại Trường cân nhắc để điều chỉnh nguyện vọng từ Trường Đại học Hồng Đức sang các cơ sở giáo dục đại học khác"-Thông báo nêu.
Theo trường này, khi được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, nhà trường sẽ thực hiện thông báo xét tuyển bổ sung.
Đối với các thí sinh đã dự thi năng khiếu tại Trường Đại học Hồng Đức, nếu không được tuyển sinh vào ngành đào tạo giáo viên có tổ hợp xét tuyển môn năng khiếu, nhà trường sẽ thực hiện hoàn trả lệ phí dự thi trực tiếp đến từng thí sinh.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân được đưa ra cho sự chậm trễ này là do Trường Đại học Hồng Đức là mô hình trường đại học địa phương, khối sư phạm phải chờ đặt hàng của UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong khi đó, hướng dẫn của Nghị định 116 còn một số điểm chưa rõ và tỉnh Thanh Hóa phải cân đối nguồn kinh phí một cách phù hợp.
Theo đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Hồng Đức, nhà trường dự kiến tuyển sinh 2.600 chỉ tiêu cho 29 mã ngành đào tạo, trong đó có 13 ngành đào tạo giáo viên (chỉ tiêu dự kiến là 1.280), gồm: Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Tin học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Tiếng Anh, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất.
Một điều nghịch lí là việc thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rất trầm trọng trong nhiều năm qua. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 12/7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức thừa nhận Thanh Hóa là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về thiếu giáo viên. Số lượng giáo viên còn thiếu lên tới hơn 10 nghìn người.
Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh là do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng với đó, trong những năm trước đây, không thực hiện tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu. Hiện nay, đã có cơ chế tuyển giáo viên, nhưng một số huyện, thị xã, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao hoặc phải cân đối bù trừ giữa việc thừa, thiếu giáo viên các cấp học.
Thanh Hóa chưa có cơ chế đặc thù cho việc tuyển dụng giáo viên ở các địa phương khác, trong khi chế độ đãi ngộ của giáo viên còn khá thấp, không hấp dẫn các ứng viên (trừ một số ít trường hợp là hợp lí hóa gia đình). Giáo viên là ngành đặc thù phải được đào tạo, có chứng chỉ mới có thể đứng lớp và theo từng môn học.
Không tạo ra nguồn nhân lực tại chỗ, khi cấp trên cho Thanh Hóa tuyển dụng thì sẽ không có giáo viên để mà tuyển. Vậy là bài toán thiếu giáo viên trầm trọng cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác.