Nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý về truyền thông và phòng, chống tin giả
Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do về vấn đề này.
Ông có thể cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá như thế nào về kết quả phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng trong thời gian qua?
- Hoàn thiện khung khổ pháp luật về phòng, chống tin giả trong kỷ nguyên số
- Xử lý tin giả ở Việt Nam: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
- Xử lý tin giả ở Việt Nam, chỉ áp dụng công nghệ và thay đổi nhận thức là chưa đủ
- Hậu quả khôn lường khi tin giả trở thành tin xấu độc
- Cần ban hành luật riêng về phòng, chống tin giả
- Từ năm 2018 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những bước tiến rất đột phá trong việc phòng chống tin giả, tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời rất chi tiết tại Kỳ họp Quốc hội (hồi tháng 11/2022) nên chúng tôi xin phép không nêu lại. Nói chung là công tác phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng đã có kết quả rất tích cực về nhiều mặt.
Tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, nhất là các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube, TikTok thì đồng thời với đó, tin giả cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Ở đây có một điểm khó khăn không chỉ riêng với nước ta mà với cả các nước khác trên thế giới là việc ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới khó hơn rất nhiều. Nếu so với Trung Quốc, họ không có nền tảng xuyên biên giới mà chỉ có nền tảng trong nước nên việc quản lý, kiểm soát được thuận lợi, dễ dàng hơn.
Việt Nam cũng đang triển khai nhiều biện pháp để đưa lượng tin giả về mức gọi là “kiểm soát được”. Tại sao không giải quyết được triệt để vấn nạn tin giả thì xin được nói rằng, tin giả trên môi trường mạng cũng như bệnh tật của con người, chúng ta không thể tạo ra được một môi trường hoàn toàn vô trùng, trong sạch, không có bất kỳ tin giả nào. Vấn đề quản lý rủi ro ở đây là giảm được tin giả, giống như kiềm chế tai nạn giao thông ở mức chấp nhận được, kiểm soát được để ổn định xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Bộ chúng tôi vẫn đang làm và đang thực hiện được việc kiểm soát đó.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt “Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”. Theo Cục trưởng, bước đầu thực hiện cuốn Cẩm nang đã đưa lại những kết quả tích cực ra sao?
- Kết quả thực hiện “Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” rất là tốt. Cẩm nang được thể hiện dưới nhiều hình thức, như sách in, sách điện tử, lan truyền bằng video clip ngắn, bằng các status trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau, nhiều người được tiếp cận. Trong năm nay, chúng tôi sẽ làm chiến dịch truyền thông mạnh hơn về “Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” đến người dân, nhất là hướng đến giới trẻ.
Trong loạt bài của Báo Pháp luật Việt Nam, có chuyên gia đề xuất ban hành một đạo luật riêng về phòng, chống tin giả, xin Cục trưởng cho biết quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông về đề xuất này và những giải pháp của Bộ trong phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng?
- Đây là ý mà Bộ trưởng chúng tôi cũng đã trả lời là Bộ sẽ nghiên cứu để có thể ban hành văn bản. Hiện nay, chúng ta chưa có Luật về Quản lý dịch vụ internet và thông tin trên mạng, mới chỉ dừng ở Nghị định (Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, được sửa đổi bằng Nghị định 27/2018/NĐ-CP), thời gian tới, chúng ta có thể lồng ghép, phát triển Nghị định này thành Luật Quản lý về truyền thông và phòng, chống tin giả.
Xin cảm ơn Cục trưởng!