'Nghiện' TikTok, cha mẹ lo lắng trẻ bị nhiễm độc hại
TikTok – nền tảng mạng xã hội đang có gần 50 triệu người Việt sử dụng, bên cạnh các nội dung tích cực còn xuất hiện nhiều nội dung xấu, độc, như ăn mặc hở hang, dung tục, thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, phản văn hóa, cổ xúy hành vi phạm tội...
Nguy hiểm hơn, những nội dung xấu này còn đang dần len lỏi đến cả với trẻ nhỏ, nhiều trẻ chỉ mới 3-4 tuổi đã thích bắt chước những câu nói phản văn hóa từ những trào lưu trên TikTok.
Chị N.T.Q.M. (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, bản thân từng giật mình khi thấy đứa con gái mới 4 tuổi của mình mặc quần lót, kéo áo hở rốn đứng trước gương uốn éo, miệng nhẩm theo một điệu nhạc nào đó. Hỏi ra thì biết, con đang bắt chước trào lưu trên TikTok.
"Mình không chơi TikTok, cũng không bao giờ cho con xem điện thoại. Chỉ cho con xem tivi, mỗi ngày khoảng 1 giờ đồng hồ, nên mới giật mình khi biết con đang bắt chước theo trào lưu trên TikTok. Hỏi con xem TikTok ở đâu thì con bảo bạn ở lớp dạy con với con xem trên tivi. Mình kiểm tra mới biết, hóa ra kênh youtube trên tivi có rất nhiều video liên quan đến các trào lưu của TikTok", chị M. cho biết.
Chị M. cũng chia sẻ thêm, bản thân khá lo lắng khi thấy đứa con gái mới 4 tuổi của mình đã thích ăn mặc hở hang và còn tỏ ra rất thích thú với hành động này. Chị sợ rằng những suy nghĩ đó của con sẽ tác động đến sự phát triển, khiến con mất đi sự thơ ngây vốn có, thậm chí đó có thể là một trong những tác nhân khiến con bị dạy thì sớm.
Khác với chị M., chị Đ.T.M. (Hà Nam) lại có thói quen cho con sử dụng điện thoại. Bởi không có nhiều thời gian chơi với con nên khi chị bận rộn là lại "ném" cho con chiếc điện thoại để con tha hồ muốn làm gì thì làm. Chị cũng thấy con hay có những câu nói và hành động kỳ lạ, nhưng chị biết là do con bắt chước trên TikTok.
"Nhiều khi thấy con nói vài câu theo trend của TikTok hay nhẩy theo nhạc trên Tiktok cũng vui cửa vui nhà ra phết. Cũng biết trên TikTok nhiều cái không được hay ho cho lắm, nhưng ở đâu mà chả có cái lợi cái hại nên thôi mình cứ bảo con chọn cái hay mà xem, mà học thôi, chứ cũng không cấm được. Cấm không cho nó xem điện thoại của mình thì nó đi xem ở chỗ khác, xem cùng bạn hàng xóm, rồi bạn bè trên lớp chỉ cho nhau…. Nên mình nghĩ tốt nhất là nên dặn con nên xem gì và học gì, những cái gì xấu thì không nên bắt chước. Cũng lo con bị ảnh hưởng bởi nội dung xấu trên TikTok, nhưng mình cũng chẳng biết làm thế nào", chị M. nói.
Còn anh N.A.T (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây không khỏi lo ngại khi con trai anh "nghiện" TikTok đến "quên ăn, quên ngủ", hễ có thời gian là vào xem. Sợ con sẽ tiếp nhận những cái xấu, tục tĩu, hay những trò mạo hiểm có trên TikTok nên anh T. đã "cấm tiệt" con chơi TikTok, nhưng anh biết con vẫn giấu anh sử dụng mạng xã hội này.
Theo tìm hiểu, có nhiều bậc phụ huynh cấm con mình không cho sử dụng TikTok vì lo lắng những nội dung xấu, độc sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tư duy của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thắc mắc không biết vì sao các nội dung trên TikTok vẫn có thể len lỏi và tiếp cận các con một cách dễ dàng?
Sẽ thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam
Theo số liệu của DataReportal, tính đến tháng 2, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng 49,9 triệu người dùng. Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) mới đây cho biết, sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc Bộ TTTT có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới là rất cần thiết, bởi bên cạnh những thông tin giải trí hữu ích thì TikTok còn có không ít người đưa thông tin sai lệch, xấu độc, phản cảm, dung tục, mê tín dị đoan… ảnh hưởng tới giới trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ và học sinh.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho biết, mạng xã hội TikTok quy định rõ độ tuổi của người dùng TikTok là người đủ từ 13 tuổi trở lên, nhưng những người dưới tuổi này cũng đã tham gia. Có những người làm clip lan truyền rất nhiều nội dung không chuẩn mực, tạo sự kịch tính làm cho một bộ phận giới trẻ, nhận thức sai lệch về cuộc đời, trẻ nhỏ không có thông tin chính thống khi tiếp cận sẽ bị ảnh hưởng.
"Ngay cả người lớn vì nhu cầu thư giãn cũng dễ nghiện TikTok, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong cuộc sống thực. Vì thế, cần phải có những hình thức để quản lý cả về thời gian, độ tuổi…Chính CEO TikTok cũng đã phải điều trần trước quốc hội Mỹ về nhiều vấn đề.
CEO TikTok cũng thừa nhận không cho con dùng TikTok. Bản thân người làm họ cũng đã ý thức được nguy cơ nhưng họ lại kiếm tiền trên sự chú ý của những đứa trẻ ở các quốc gia khác, làm cho tư tưởng mọi người lệch lạc…", PGS.TS Trần Thành Nam thông tin.