Ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng du lịch: Không thể chủ quan!
Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm ở điểm du lịch
Chưa đầy 1 tháng qua, ngành Y tế Khánh Hoà ghi nhận 3 vụ nghi ngộ độc thực phẩm liên quan đến quán ăn đường phố trên địa bàn TP. Nha Trang.
Giữa tháng 3, hơn 360 người bị ngộ độc sau ăn tại quán Cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu), do các món gà, sốt trứng, dưa chua... lây nhiễm chéo các vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.
Bệnh nhân điều trị ngộ độc tại bệnh viện sau khi ăn ở quán Cơm gà Trâm Anh, TP. Nha Trang. Ảnh: Minh Toàn
Tuần trước, ngành chức năng cũng ghi nhận 10 học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi bị rối loạn tiêu hóa nghi do ăn cơm gà bên ngoài nhà trường.
Ngày 5/4, hàng chục học sinh ở phường Vĩnh Trường nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc. Qua nắm bắt thông tin, các cháu có ăn sáng với nhiều món khác nhau, như cơm gà, sushi, thức ăn nhanh,... tại các hàng quán bên ngoài nhà trường và người bán hàng rong.
Chiều 6/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu chủ trì cuộc họp đột xuất với Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh, đề nghị các cơ quan, đơn vị theo chức năng triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh liên quan đến thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định, bắt đầu từ 8/4.
“Nha Trang - Khánh Hoà xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân, du khách và môi trường du lịch”, ông Thiệu nói, cần ngăn chặn nguồn nghi ngộ độc tiến tới xử lý dứt điểm vấn nạn thức ăn không đảm bảo, tránh xảy ra trường hợp tương tự như vừa qua.
Việc "ngộ độc thực phẩm phá hoại ngành du lịch" đã từng xảy ra ở nước ta, hồi tháng 9 năm ngoái, 313 người, trong đó có hơn 100 du khách nước ngoài bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), do thực phẩm nhiễm vi khuẩn Samonella. Đáng nói, cơ sở này không kiểm thực 3 bước, không lưu mẫu thức ăn, không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh…
Du khách xếp hàng dài để được thưởng thức món bánh mì Phượng, TP. Hội An trước khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: T.P
Bánh mì Phượng là thương hiệu lâu năm, nổi tiếng với du khách, nhận được những phản hồi tích cực của thực khách trong và ngoài nước. Sự việc này trực tiếp khiến thương hiệu bánh mì có tiếng thiệt hại nặng, doanh thu giảm đến 80% so với thời điểm chưa xảy ra ngộ độc.
Vụ việc cũng khiến hình ảnh du lịch xứ Quảng tổn hại nghiêm trọng trong mắt du khách, “đây là bài học xương máu, như một lời cảnh tỉnh đối với các cơ sở kinh doanh và với cả Hội An”, Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn lúc bấy giờ, nói khi bánh mì Phượng xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Trường hợp cơm gà Trâm Anh, TP. Nha Trang hồi tháng 3/2024 cũng tương tự như vụ việc bánh mì Phượng nêu trên, vi khuẩn Salmonella cũng là một trong nguyên nhân khiến 369 người bị ngộ độc sau khi ăn tại quán này.
Quán Cơm gà Trâm Anh là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có tiếng của Nha Trang, mỗi ngày bán hàng trăm suất ăn cho người dân, du khách. Tuy nhiên không thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác định tác nhân gây ngộ độc. Cơ quan chức năng cũng xác định nguồn nước, quy trình chế biến của cơ sở này chưa đảm bảo, do đó có thể có nhiều tác nhân gây ngộ độc thực phẩm.
“Hồi chuông" cảnh báo đến bao giờ?
Thống kê của Bộ Y tế, tính chung quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong, dấy lên “hồi chuông” cảnh báo về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.
Thêm vào đó là quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm…
Nhìn chung, tại các điểm du lịch, người dân, du khách có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thức ăn nhanh. Nhiều loại thực phẩm ở đây không rõ nguồn gốc, thậm chí, hàng quán nằm ở vỉa hè, lề đường, bụi, nấm mốc và khí thải dễ nhiễm vào thực phẩm, khiến nguy cơ xảy ra ngộ độc rất cao.
Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh nước giải khát, nước đá, nhất là tại các vùng biển, các khu du lịch có nhu cầu lớn càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.
Để hạn chế tối đa việc xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm, các địa phương cần nghiêm túc, thẳng thắn và quyết liệt phòng chống ngộ độc thực phẩm, đừng “mất bò mới lo làm chuồng”. Nếu không, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, sẽ ảnh hưởng cả hình ảnh du lịch địa phương, “phá hoại” sự phát triển kinh tế.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại lễ hội Đền Kỳ Sầm, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tổng cục QLTT
Do đó, các địa phương cần khẩn trương thanh, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn đông người trên địa bàn quản lý.
Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).
Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng. Tăng cường công tác thông tin truyền thông về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, chính các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có chứng nhận VSATPT, phải thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm…
Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không bị mắc các bệnh truyền nhiễm khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo điều kiện.
Cùng với đó, người dân, du khách khi ăn uống tại các quán ăn, nhà hàng, vỉa hè,… khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn, gọi cấp cứu theo số máy 115 hoặc đưa bệnh nhân đến ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Mọi người phải luôn cảnh tỉnh lẫn nhau, những vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào, bất kỳ thời điểm nào và với bất kỳ ai. Người dân, du khách cũng cần chú ý “ăn chín, uống sôi”, hạn chế ăn các món tươi sống, nhất là thủy, hải sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không nên sử dụng những thực phẩm, hoa quả chế biến sẵn bày bán tại các điểm du lịch, khu chợ không đảm bảo an toàn. Chỉ nên dùng các thực phẩm chế biến sẵn trong bao gói bảo đảm và có ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Ngoài ra, cũng cần vận động, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người. Đã đến lúc phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị, ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội để đảm bảo an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm, trong đó, chính quyền địa phương phải là đơn vị giữ thế chủ công.