Ngọc Lan khóc nức nở với khao khát “được nhìn mặt con một lần” của mẹ khiếm thị
Ngọc Lan khóc nức nở thương cảm khi nghe về hoàn cảnh của người mẹ đơn thân.
Chu Văn Huân (30 tuổi) là một trong những BBoy (viết tắt của Break Boy) nhảy breakdance đời đầu trong bộ môn nghệ thuật đường phố. Chàng vũ công gây ấn tượng mạnh với khán giả khi dẫn mẹ khiếm thị Trần Thị Lệ tham gia thi đấu tại Vietnam’s Got Talent 2016 và được nhiều người quan tâm.
Trong cao điểm dịch COVID-19 năm 2021, Văn Huân và mẹ đã xây dựng “Bếp ăn 0 đồng” để giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật và khiếm thị. Không những vậy, anh còn nhiệt tình thể hiện những bước nhảy điêu luyện để cổ vũ tinh thần, tiếp sức cho đồng đội chống dịch.
Mới đây, khi xuất hiện trong chương trình “Gõ cửa thăm nhà”, những góc khuất thầm kín, cảm động của người mẹ khiếm khuyết nghị lực và con trai “đáng đồng tiền bát gạo” lần đầu được chia sẻ.
Vũ công Văn Huân và người mẹ khiếm thị - Trần Thị Lệ.
Theo Văn Huân, breakdance vốn là thể loại khó nhằn và nguy hiểm nhất trong bộ môn nhảy đường phố. Theo đuổi breakdance từ những ngày đầu, anh không ít lần bị chấn thương nhưng vẫn không từ bỏ. “Mình chấn thương rất nhiều lần, nặng nhất là năm 2012. Một lần, mình bị tai nạn giao thông, ngã chúi người về đằng trước, từ trên cao đáp xuống thì mình chống tay thuận, tỳ ngay chỏ. Bây giờ mình di chuyển cổ tay rất khó. Trước đây, mình có thể kiếm tiền nuôi đam mê, còn bây giờ thì kiếm một ‘con đường’ nhỏ để tiếp tục, miễn sao mình không rời bỏ nó. Hồi xưa mẹ không ủng hộ mình theo nghiệp nhảy vì sợ mình bị chấn thương. Nhưng mình cũng gặt hái được nhiều thứ để chứng minh cho mẹ thấy mình làm được”.
Được biết, hai mẹ con bắt đầu sống trong căn nhà ở đường Thống Nhất, quận Gò Vấp từ khi cô Lệ đặt chân tới TP HCM, tính đến nay đã được 25 năm. Trò chuyện với Ngọc Lan về lý do dẫn con trai đến thành phố, cô Lệ nghẹn ngào: “Gia đình lúc đó khó khăn, anh chị em thì đông mà mẹ lại bị bệnh nặng nên tôi cũng không biết mình phải thế nào. Tôi nghe nói ở TP HCM dễ kiếm tiền nên nhờ bạn kiếm một chỗ để xuống làm. Có một lần tôi xuống đây, Huân ở quê chờ tôi, đi đâu cũng xách cái bánh trung thu tôi tặng, nhất định không ăn, không cho ai chỉ chờ mẹ về ăn chung. Tôi nghe người ta kể lại mà nóng ruột quá, phải chạy về lẹ để đón Huân xuống. Khi tôi về tới là chiếc bánh con heo đã mốc và cứng ngắc rồi. Đưa Huân xuống được là tôi vui lắm. Lúc đó tôi chỉ có một điều ước là làm sao cho Huân được sung sướng một chút”.
Phát hiện bản thân bị teo cơ mắt từ nhỏ, cô Lệ chật vật chạy chữa nhưng nhận lại là lời khuyên đắng lòng của bác sĩ “mãi mãi không bao giờ chữa được cũng không thay mắt được”. Văn Huân là động lực sống của cô và cô khao khát nhìn mặt con hơn bao giờ hết: “Nhiều lúc Huân ngủ, tôi để mặt sát thật sát để cố gắng coi mặt con mình ra sao. Nghe ai cũng nói con mình đẹp trai, dễ thương lắm”.
Mong ước này của cô khiến MC Ngọc Lan không kìm được nước mắt, đồng cảm sâu sắc với nỗi lòng của người mẹ khiếm thị: “Cô có biết cô cũng rất đẹp không? Cô đẹp, mái tóc dài, cô rất tươi, giọng nói thì hiền. Nếu có một điều ước thì con mong cô cũng thấy được Huân và bản thân của mình để cô biết mình đẹp cỡ nào”.
Thiệt thòi hơn nhiều người, cô Lệ không tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực vì không thể đi học hay nhìn thế giới muôn màu ngoài kia nhưng cô vẫn mạnh mẽ, lạc quan đối diện với đời. “Tôi nghĩ số phận mình đâu có gì phải buồn, mình vẫn sống, vẫn làm. Thậm chí không có người bên cạnh, mình vẫn nuôi con được là điều may mắn. Con khỏe, ngoan là tôi hạnh phúc lắm rồi”, cô chân thành chia sẻ. Không chỉ có thể sinh hoạt không khác gì người khỏe mạnh bình thường, mà cô Lệ còn sở hữu tài nấu ăn khiến MC Quốc Thuận cũng phải tấm tắc khen.
Mẹ khiếm thị giỏi giang, kiên cường là thế nhưng Văn Huân tiết lộ mình đã từng xấu hổ với bạn bè, không dám đưa mẹ đi họp phụ huynh. Hành động này vẫn luôn canh cánh trong lòng khiến anh day dứt đến tận bây giờ: “Lúc nhỏ mình không muốn khoe mẹ với bạn bè, sợ bạn chê cười, không chơi với mình. Thật ra, mình muốn làm điều gì đó cho mẹ hãnh diện nhưng chưa làm được nên không muốn người khác coi thường vào lúc đó. Có một lần thấy mẹ lén nằm khóc, mình suy nghĩ chắc hành động đó của mình nặng nề với mẹ lắm. Mình muốn bù đắp lại nên muốn dẫn mẹ đến chương trình Vietnam’s Got Talent. Từ đó, mình muốn nói với mọi người: ‘Mẹ tôi là người khiếm thị nhưng tôi vẫn bước ra đời mà không thua thiệt một ai’. Mình chỉ muốn dẫn mẹ đi khắp nơi, có gì hay sẽ chia sẻ với mẹ”.
Dù được mẹ chăm lo mọi thứ, nhưng Văn Huân từng xấu hổ với bạn bè, sợ người khác coi thường hoàn cảnh gia đình mình. Điều này khiến anh hối hận mỗi lần nghĩ lại.
Điển trai, vui tính nhưng Văn Huân lại không mấy may mắn trên đường tình duyên khi “đứt gánh giữa đường” với vợ cũ. Trước người con hiếu thuận, mẹ khiếm thị tỏ bày nỗi bận tâm cuối cùng: “Mong con trai tìm được cô gái hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh gia đình là tốt lắm rồi”.