1. Trang chủ /
  2. “Ngôi nhà dưỡng lão” dành cho gấu sau khi cứu hộ

“Ngôi nhà dưỡng lão” dành cho gấu sau khi cứu hộ

thứ ba, 16/8/2022 14:22 GMT+07
(PLM) - Những người ở Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình thường nói vui rằng đây có thể xem như là “ngôi nhà dưỡng lão” dành cho gấu. Sau khi được cứu hộ, nhiều chú gấu từng bị nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ được đưa về chăm sóc để dần phục hồi bản năng tự nhiên. Những người chăm sóc gấu hầu hết đều là người dân địa phương, mỗi người có cơ duyên khác nhau để đến với nghề, nhưng điểm chung là họ đều dành rất nhiều thời gian, công sức và tình yêu thương cho gấu, coi chúng như những đứa con của mình để chăm sóc.

Nơi gấu được quyền lựa chọn

Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình (BSNB) tại bản Xăm, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là nơi chăm sóc các cá thể gấu được cứu hộ từ các trại nuôi tư nhân tự nguyện chuyển giao hoặc bị tịch thu từ các vụ buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, hướng đến mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Hiện có 49 cá thể gấu cứu hộ đang được chăm sóc tại đây.

Hầu đều đã từng có cuộc sống vất vả trong những cũi sắt chật hẹp và bị ngược đãi. Khi được đưa đến BSNB, hầu hết các cá thể cứu hộ đều bị mắc phải nhiều vấn đề sức khoẻ, trong đó phổ biến nhất là các bệnh về thận, túi mật, gan, tim và bệnh thoái hóa khớp. Tại đây, các chú gấu được tự do hoạt động ngoài trời và trong nhà gấu, bơi lội trong hồ, leo trèo lên các bậc sàn cao, tắm nắng ngoài bãi cỏ, chơi đùa cùng nhau, tìm kiếm thức ăn hay trốn vào những nơi khuất để thư giãn. Gấu còn được chăm sóc với chế độ ăn phong phú, được kiểm tra sức khoẻ định kỳ và điều trị thú y tuỳ vào tình trạng của từng cá thể.

Một trong số đó, ngày 20/9/2019, chú gấu James (tên đặt bởi BSNB) cùng với 6 chú gấu khác được cứu hộ từ 2 trại gấu tư nhân tại Bình Dương và Đồng Nai. Chú gấu này đã bị nuôi nhốt trong cũi sắt đến gần 17 năm để lấy mật. Không được đặt tên, những chú gấu khác trong trại bằng mã số chip 12007. Đến khi được cứu hộ, chú gấu mới được đặt tên James như trong tên của “Điệp viên 007 James Bond” và được đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình để được chăm sóc. Các anh chị trong cơ sở vẫn hay gọi chú gấu già này là “Điệp viên về hưu”.

Chị Bùi Thị Hạnh đang chuẩn bị đồ làm giàu cho gấu. Ảnh: Vũ Lành
Chị Bùi Thị Hạnh đang chuẩn bị đồ làm giàu cho gấu. Ảnh: Vũ Lành

Chị Quách Thị Lành, Trưởng nhà gấu 2, là một trong những người chăm sóc chú gấu James này. Chị Lành là đã gắn bó với BSNB từ những ngày đầu tiên cơ sở được thành lập, đến nay đã qua 5 năm. Khi nhớ lại thời điểm gấu James mới về BSNB, chị không giấu nổi sự xúc động: “Bạn gấu James đã khá nhiều tuổi, khi mới về đây hình dáng bạn gầy gò, ốm yếu do bị nuôi nhốt lâu, tuổi lại cao, sức khoẻ tương đối kém và rất sợ người. Trông thấy một sinh mạng bị đày đoạ như vậy thật sự rất đáng thương”. Qua kiểm tra, gấu James mắc bệnh về gan và túi mật, bên cạnh đó còn bị rụng lông nghiêm trọng trên diện rộng, da khô sần sùi. Nhờ được chăm sóc chu đáo với chế độ dinh dưỡng mới, đồ làm giàu và thuốc điều trị phù hợp, theo thời gian, lông toàn thân gấu James đã dần mọc trở lại.

Ngày nay, dù sức khoẻ của gấu James đã cải thiện nhiều nhưng những người chăm sóc cũng không thể lơ là việc theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Chị Lành kể lại,có một lần khi chị đang quan sát hành vi của các chú gấu trong nhà 2, phát hiện thấy gấu James nằm ủ rũ trên võng, nhìn qua tưởng rằng đang ngủ nhưng thực sự không phải như vậy. “Gấu khi đau đớn chỉ thể hiện qua nét mặt là buồn thôi chứ không như các ĐVHD khác có thể thể hiện mạnh mẽ ra bên ngoài. Sau khi báo cho quản lý để kiểm tra thì mới biết bạn ấy bị cao huyết áp do mùa hè nắng gắt. Sau đó, bác sĩ điều chỉnh thuốc điều trị kịp thời”.

Tấm lòng của người chăm sóc gấu

Được biết, các nhân viên chăm sóc gấu tại BSNB hầu hết đều là người dân địa phương tại huyện Nho Quan, trong đó có nhiều người là người dân tộc Mường, làm việc dưới sự hướng dẫn và quản lý bởi đội ngũ chuyên gia về động vật và thú y trong và ngoài nước.

Những chú gấu từng bị nuôi nhốt lấy mật được chăm sóc để phục hồi bản năng. Ảnh: Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình
Những chú gấu từng bị nuôi nhốt lấy mật được chăm sóc để phục hồi bản năng. Ảnh: Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình

Cũng như chị Lành, chị Bùi Thị Hạnh là một trong những người chăm sóc gấu lâu năm tại BSNB, với vị trí hiện tại là trưởng nhà gấu 3. Được nói chuyện với chị Hạnh trong khi chị và các đồng nghiệp đang chuẩn bị thức ăn và đồ làm giàu cho các chú gấu tại nhà gấu 3. Chị vừa gói lại những bắp ngô vào sâu trong những tán lá, đặt rau vào những ống tre vừa giải thích tận tình: “Tuỳ theo cân nặng, sức khoẻ của mỗi chú gấu, chế độ ăn sẽ khác nhau. Mỗi ngày khẩu phần ăn đều được thay đổi, hôm nay có thể là bí đỏ, mai cà chua, cà rốt, ngô, rau,cùngvớiđólàcácđồănbổ sung đạm như trứng, thức ăn khô cho chó. Bởi bị nuôi nhốt lâu năm, nhiều chú gấu đã bị các bệnh về tiêu hoá nên chỉ ăn được một số loại thức ăn nhất định. Bên cạnh đó, đồ làm giàu môi trường rất quan trọng đối với gấu để tạo cơ hội cho gấu thể hiện những hành vi tự nhiên như leo trèo, trốn hay thao tác với đồ vật, đánh hơi và tìm cách lấy đồ ăn ra”.

Là người dân tộc Mường, trước khi đến với nghề chăm sóc gấu, chị Hạnh đã từng làm nông, thu nhập khá khó khăn, công việc hiện nay đã cho chị một cuộc sống ổn định hơn. Năm 2017, chị được biết tới công việc chăm sóc gấu thông qua một người thân, ban đầu chị còn cảm thấy rất lo lắng vì không biết làm việc với ĐVHD sẽ như thế nào. Đến nay, chị cảm thấy rất may mắn đã được làm việc trong một môi trường rất tốt và ý nghĩa. Những chú gấu không hề hung dữ như chị từng nghĩ. Lúc đầu, việc tiếp xúc với gấu được cứu hộ từ các nơi về thường khó khăn hơn vì lúc này gấu thường rất căng thẳng. Dù vậy, bằng sự kiên trì và tình yêu thương, những người chăm sóc đều có thể chiếm được sự tin tưởng và yêu mến từ các chú gấu.

Thức ăn cho gấu đảm bảo dinh dưỡng, tuỳ theo cân nặng, sức khoẻ của mỗi chú gấu. Ảnh: Đỗ Trang
Thức ăn cho gấu đảm bảo dinh dưỡng, tuỳ theo cân nặng, sức khoẻ của mỗi chú gấu. Ảnh: Đỗ Trang

Theo chị Hạnh, công việc chăm sóc gấu rất cần sự thật thà, sự dịu dàng và gần gũi với động vật. “Từ khi vào đây, tôi hiểu biết thêm về phúc lợi động vật, tính cách động vật, cũng như biết được động vật rất thông minh. Ví như trong ba bạn gấu trẻ Nara, Mochi, Nikko thì Mochi rất dễ thương và nhỏ nhắn, biết leo trèo cực kỳ giỏi”, chị Hạnh chia sẻ.

Được biết, vào tháng 5/2020, gấu con Mochi mới vài tháng tuổi đã được cứu thoát khỏi đường dây buôn bán ĐVHD và hoàn thành quãng đường hơn 170km từ Mộc Châu (tỉnh Sơn La) về BSNB. Một chủ hộ gia đình phát hiện chú gấu con này đang bị giao bán, nên đã nhanh chóng mua lại và báo cho Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La. Nghe kể lại, lúc mới về cơ sở, Mochi chỉ nặng khoảng 2kg nhưng sau vài tháng, chú gấu con đã tăng lên 6kg. Từ nhỏ, tính cách của Mochi đã rất hiếu động, thích chạy nhảy bên ngoài chơi, leo cây, nằm ngâm mình trong bồn tắm cho mát và coi anh chị nhân viên chăm sóc là sàn leo trèo của mình. Đến nay, gấu Mochi đã nặng khoảng 44kg và được coi là “cô gấu tinh quái nhất” nhóm 3 chú gấu con Nara, Mochi, Nikko.

Nhìn thấy những chú gấu phục hồi sức khoẻ, lớn lên và hạnh phúc chính là niềm vui của những người làm công việc chăm sóc tại BSNB. “Lúc đầu tiên vừa là trách nhiệm vừa là trải nghiệm, khi làm được 1 năm, 2 năm, 3 năm giờ đến 5 năm thì tôi vẫn rất yêu công việc, chỉ mong sao mình có nhiều sức khoẻ để cống hiến nhiều hơn”, chị Lành nói thêm, “Theo quan điểm của tôi, một người nhân viên chăm sóc gấu cần có nhiệt huyết và tình yêu thương. Tôi coi những chú gấu này như con mình vậy, hàng ngày chăm sóc con mình như thế nào thì chúng nó cũng như thế. Nhiều khi công việc chỉ yêu cầu 8 tiếng nhưng dù làm đến 10 tiếng, chúng tôi vẫn thấy vui. Thấy chúng nó ăn được, uống thuốc được đã là một sự thành công rồi”.

Tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, các loài gấu chó và gấu ngựa đều nằm trong danh mục loài được bảo vệ, cấm khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại.

Việt Nam là nơi có sự phân bố của hai loài gấu là gấu chó và gấu ngựa. Tuy nhiên từ năm 1990 đến 2005, loài gấu bắt đầu có sự suy giảm đột biến về số lượng do nạn săn bắt và buôn bán trái phép. Đây cũng là giai đoạn các trang trại nuôi gấu lấy mật phát triển nhanh chóng ở nước ta.

Từ năm 2005, việc buôn bán và tiêu thụ mật gấu đã bị cấm ở Việt Nam. Trong gần 2 thập kỷ, các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ gấu bằng chính sách pháp luật, các cơ sở cứu hộ thuộc nhà nước và các tổ chức quốc tế bắt đầu cứu hộ và cung cấp môi trường sống phù hợp hơn với loài cho các cá thể gấu từng bị lạm dụng để lấy mật trong nhiều năm. Dù vậy, đến nay, nhiều tổ chức ước tính, vẫn còn khoảng 800 cá thể gấu đang phải sống trong những chiếc chuồng nhỏ chật chội của các trang trại nuôi nhốt, chịu đựng quy trình lấy mật dã man và đau đớn.