Ngư dân phấn khởi vươn khơi
Những ngày qua, tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cảng Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, người dân chứng kiến các tàu cá tấp nập cập bến. Trên bờ, các nhân công chăm chú phân loại cá vào các sọt rồi chuyển lên xe đông lạnh đưa về nơi chế biến hoặc chở đi bán cho thương lái. Đáng chú ý, cũng tại các cảng cá này có nhiều tàu cá đang hối hả nhập nhiên liệu, nhu yếu phẩm chuẩn bị ngư cụ để vươn khơi bám biển. Nhiều ngư dân cho biết, họ sẽ bám trụ ở 2 ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tất cả đã tạo nên một bầu không khí nhộn nhịp, sôi động nơi ngư trường.
Theo chia sẻ của các ngư dân, trước đây giá dầu diesel quá cao, lên đến 30.000 đồng/lít nên ra khơi là lỗ. Tuy nhiên, hiện giá dầu đã giảm còn khoảng 23.000 đồng/lít, từ đó giảm áp lực chi phí cho mỗi chuyến ra khơi. Đây là tin vui cho các ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, họ có thêm động lực, tinh thần vươn khơi đánh bắt hải sản, bù lại một quãng thời gian dài phải nằm bờ do giá xăng, dầu tăng quá cao.
Chia sẻ với chúng tôi, ngư dân Phạm Văn Thái, trú xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) cho biết: “Để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi lần này, tàu của chúng tôi đã nhập 1.000 cây đá lạnh, 7.000 lít dầu diesel, tổng chi phí cho chuyến đi hơn 200 triệu đồng. So với thời điểm giá dầu tăng cao, chúng tôi giảm được chi phí gần 50 triệu đồng”.
Tương tự, ngư dân Nguyễn Thanh Vương, trú xã Tam Quang là chủ tàu cá QNa 91945 TS, công suất 780 CV cho hay: “Tàu của tôi hành nghề lưới rê, mỗi chuyến đi biển tốn hơn 5.000 lít dầu diesel. Thời điểm giá dầu tăng, các chuyến vươn khơi gần như là thua lỗ, do vậy, nhiều lúc phải cho tàu nằm bờ. Hiện tại, giá dầu giảm, mỗi chuyến đi biển tiết kiệm gần 20 triệu đồng, điều đó giúp cho tôi tăng nguồn thu nhập để lo trang trải cuộc sống của gia đình và trả tiền công cho các thuyền viên”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hiện tại toàn xã có khoảng 480 tàu cá, lúc giá nhiên liệu tăng cao, hơn 1/3 số tàu cá của địa phương nằm bờ. Nay giá dầu giảm, các tàu cá địa phương đã đồng loạt vươn khơi bám biển trở lại, hứa hẹn những chuyến vươn khơi bội thu. Qua đó, giải quyết tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và các khu vực hậu cần ở cảng Sa Kỳ.
Đồng quan điểm, ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho hay: “Huyện Núi Thành là địa phương trọng điểm nghề cá của Quảng Nam khi sở hữu 413/671 tàu cá đánh bắt xa bờ toàn tỉnh. Mỗi năm, ngư dân huyện đánh bắt được hơn 50.000 tấn hải sản. Việc giá xăng dầu giảm xuống khiến ngư dân địa phương rất phấn khởi. Lãnh đạo địa phương luôn động viên ngư dân vươn khơi bám biển, vừa làm kinh tế nhưng cũng là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Ngư dân không chỉ vươn khơi mà còn thực hiện tốt việc đánh bắt cá không vi phạm lãnh hải nước bạn. Theo chia sẻ của các ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, họ luôn tuân thủ các quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác hải sản. “Chúng tôi đã đầu tư mua máy định vị, có chức năng xác định vị trí hành trình di chuyển, cũng như tọa độ tàu cá đang hoạt động. Nhờ vậy, chúng tôi biết được vùng biển nào thuộc chủ quyền của Việt Nam để không vi phạm vùng biển của nước bạn” – một ngư dân cho biết.
Ông Nguyễn Văn Mười - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết: “Toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 4.600 tàu cá, với khoảng 38.000 lao động nghề biển, trong đó có 3.200 tàu thuyền từ 15m trở lên. Việc giá nhiên liệu giảm đã tạo tinh thần phấn khởi cho ngư dân địa phương. Hiện tại hầu như các tàu thuyền địa phương đã vươn khơi bám biển trở lại, nhờ đó sẽ nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống của ngư dân”.