Người cao tuổi phát huy vai trò đẩy lùi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”
Mỗi người cao tuổi là một tuyên truyền viên
Trong số hơn 300 hộ gia đình ở khu dân cư số 12, phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) có hơn 10 gia đình sinh con 1 bề là gái, đa số các gia đình đều có tư tưởng tiến bộ "dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”, gia đình hạnh phúc, các con được nuôi dạy thành đạt.
Bà Phạm Thị Thúy Hòa (áo xanh), là cộng tác viên dân số tổ 15 phường Thượng Thanh, quận Long Biên luôn nhiệt huyết trong việc vận động các gia đình thực hiện chính sách dân số.
Bà Hoàng Thị Bảy, khu dân cư số 12, phường Thịnh Quang cho biết, ngày nay, nhiều gia đình đã gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, dù sinh con một bề là gái vẫn có cuộc sống hạnh phúc, gia đình hòa thuận.
“Hạnh phúc không phải đến từ việc sinh con trai hay con gái mà chính từ nỗ lực cùng nhau vun đắp tổ ấm, giáo dục con cái như thế nào. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc giúp mọi người trưởng thành. Gia đình có hạnh phúc, lành mạnh thì xã hội mới phát triển bền vững. Trẻ em gái xứng đáng được đón nhận nền giáo dục, bảo vệ tốt, vì một tương lai tốt đẹp hơn”, bà Bảy chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Hội Người cao tuổi phường Nam Đồng (quận Đống Đa) khẳng định: Việc có con “đủ nếp, đủ tẻ” là tuyệt vời nhưng nếu sinh con một bề là gái thì cũng không vì thế mà kém vui. Điều quan trọng là nuôi dạy con cái trưởng thành, hiếu thảo, có ích cho gia đình và xã hội. Để có được quả ngọt như vậy, các con phải được chăm sóc đầy đủ cả thể chất lẫn tinh thần, được đến trường học tập, tiếp thu kiến thức, trang bị kỹ năng sống, được phát triển toàn diện theo lứa tuổi.
“Cuộc đời của mỗi cụ là một kho tàng quý giá vô hạn về đạo đức, văn hóa, lối sống, những điều hay, lẽ đẹp được tích lũy trong cả cuộc đời để truyền dạy cho các thế hệ con cháu về nhân cách và đạo đức xã hội, hòa thuận trong gia đình, gắn bó với láng giềng thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và thực hiện tốt quy định của địa phương. Trong gia đình, chính ông, bà là người thực hiện tuyên truyền, vận động con cháu “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” rất hiệu quả. Việc tuyên truyền giúp người cao tuổi thay đổi quan niệm, sẽ giúp cho các gia đình trẻ không còn chịu áp lực phải sinh thêm con trai nếu đã có hai con gái”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Từ lâu, bà Phạm Thị Thúy Hòa (cộng tác viên dân số tổ 15 phường Thượng Thanh, quận Long Biên) được nhiều người biết đến với hình ảnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” không quản nắng mưa, sớm tối vận động các gia đình không sinh thêm con thứ ba. Nhiều năm nay, bà nhiệt huyết trong việc vận động các gia đình thực hiện chính sách dân số, với bà mỗi trường hợp vận động thành công bà đều cảm thấy như mình đang làm việc có ích cho xã hội.
“Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tôi tìm đến các gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiên trì phân tích cho mọi người hiểu tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch, đồng thời động viên họ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không lựa chọn giới tính thai nhi… Nhiều trường hợp tôi phải vận động nhiều lần mới thuyết phục được”, bà Hòa bày tỏ.
Xóa bỏ tâm lý ưa thích con trai
Việt Nam là nước bị ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến và Nho giáo, ăn sâu vào đời sống nhiều thế hệ, chính vì tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" nên nhiều ông, bà ép con phải đẻ bằng được cháu trai, nếu không sẽ cho là bất hiếu. Những tư tưởng sợ bị người khác đánh giá, bàn luận khiến cho nhiều gia đình tan vỡ.
Gia đình chị Đỗ Thị Hoàng Yến (Tổ dân phố Viên 3, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) luôn hạnh phúc vì 2 con gái chăm ngoan, học giỏi.
Hiện nay, tư tưởng “trọng nam kinh nữ” đã giảm song quan niệm phải có con trai để nối dõi vẫn còn tồn tại. Nhiều gia đình trẻ đã có ý thức về vấn đề này, nhưng sự thúc ép lại đến từ ông bà nhiều hơn, do đó việc thay đổi nhận thức từ người cao tuổi là cần thiết.
Ông Vũ Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết: Từ xưa đến nay, người cao tuổi có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Do đó, vai trò của người cao tuổi trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu trong gia đình và nhân dân ở khu dân cư chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là vô cùng quan trọng.
Để tuyên truyền, vận động con, cháu trong gia đình thực hiện tốt công tác dân số, các cấp Hội Người cao tuổi trên toàn Thành phố lồng ghép phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng” với công tác dân số để vận dụng vào thực hiện tại mỗi gia đình, khu dân cư.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hội viên người cao tuổi tiêu biểu trong vận động nhân dân, con, cháu thực hiện tốt chính sách dân số. Các cụ luôn xác định đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể ở cơ sở vận động người dân, vận động con cháu thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, đặc biệt xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, coi việc thực hiện tốt công tác dân số là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của hội viên. Trong các buổi sinh hoạt, Hội Người cao tuổi dành thời gian đáng kể để tuyên truyền công tác dân số. Từ sự vào cuộc tích cực của các cụ cao tuổi đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số của toàn Thành phố.