NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI: Đề cao xử lý nhân văn, phù hợp lứa tuổi
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Tư pháp cho người chưa thành niên đang được Tòa án nhân dân Tối cao lấy ý kiến góp ý. Dự thảo Luật Tư pháp cho người chưa thành niên xây dựng các nội dung: Tư pháp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; Tư pháp người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng, đương sự; Tư pháp người chưa thành niên bị cai nghiện ma túy bắt buộc; Tư pháp người chưa thành niên về thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng.
Vấn đề về tư pháp người chưa thành niên về thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng nhận được nhiều sự quan tâm, trong đó nhấn mạnh biện pháp xử lý chuyển hướng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Xử lý chuyển hướng là quá trình thay thế các hình phạt trong hệ thống pháp luật hình sự bằng các biện pháp nhân văn, phù hợp tâm lý, lứa tuổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm minh và các nguyên tắc pháp luật.
Công ước quốc tế về quyền trẻ em khuyến cáo các quốc gia thành viên cần đề ra các biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp như ra lệnh chăm sóc, hướng dẫn và giám sát; tư vấn; thử thách; chăm nuôi; các chương trình giáo dục, dạy nghề và những biện pháp thay thế khác cho việc quản lý tại cơ sở nhằm bảo đảm cho trẻ em được đối xử phù hợp với phúc lợi của trẻ, tương xứng với hoàn cảnh cũng như hành vi phạm tội của trẻ.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc xử lý chuyển hướng có thể được áp dụng đối với bất cứ người chưa thành niên nào bị cho là đã thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật và phải được coi là giải pháp ưu tiên lựa chọn hàng đầu đối với tất cả những người chưa thành niên phạm tội lần đầu, thực hiện vi phạm pháp luật nhỏ hoặc ít nghiêm trọng mà không gây ra thiệt hại hay thương tích lớn.
Do đó, Luật Tư pháp cho người chưa thành niên của Việt Nam cần hoàn thiện, bổ sung chế định này theo hướng nghiên cứu, bổ sung thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng khác như: bắt buộc đi học; đặt dưới sự giám sát và có hướng dẫn; cấm đến hoặc xuất hiện thường xuyên tại một địa điểm; lao động công ích…
Thống nhất áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm theo mức độ, hành vi mà không phân biệt hành chính hay xử lý hình sự. Áp dụng biện pháp chuyển hướng tương ứng với từng mức độ gồm: nhắc nhở, quản lý tại gia đình, giáo dục dựa vào cộng đồng. Các hành vi vi phạm theo từng mức độ thì áp dụng biện pháp tương xứng gồm: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó, cần quy định hậu quả pháp lý của việc không tuân thủ, tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để góp phần tạo điều kiện, động lực cho người chưa thành niên hoàn thiện, cải tạo ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trường hợp tuân thủ biện pháp xử lý chuyển hướng thì được xem xét giảm thời hạn xử lý chuyển hướng; cấp chứng chỉ chấp hành xong biện pháp xử lý chuyển hướng và miễn trách nhiệm hình sự, không tiếp tục bị truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp.
Ngoài ra, cần nghiên cứu việc thi hành các biện pháp xử lý chuyển hướng không giao cho cơ quan công an như quy định của pháp luật hiện hành, mà chuyển sang cho cơ quan lao động - thương binh và xã hội hoặc cơ quan quản lý nhà nước khác để đảm bảo thân thiện với người chưa thành niên. Bên cạnh đó, quy định rõ ràng về sự tham gia của nhân viên công tác xã hội trong quá trình thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Dự thảo Luật còn có các quy định đổi mới cơ chế thi hành án phạt tù theo hướng: quy định về thi hành án phạt tiền, cải tạo không giam giữ; trình tự, thủ tục thi hành; quy định cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp; vai trò của nhân viên công tác xã hội; quy định về quyền được bảo đảm tham gia học tập hoặc học nghề theo nguyện vọng của người chưa thành niên; quy định về thi hành án phạt tù; cơ sở giam giữ riêng, thân thiện; quyền của người chưa thành niên…
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 250 ra ngày 7/9/2022)