Người dân vùng bãi ngang Quảng Bình khốn khổ vì nước ngầm sụt giảm, nhiễm phèn
Khô cạn, nhiễm phèn
Trước đây, người dân vùng bãi ngang ven biển xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chỉ cần khoan vài sâu vài mét đất là có dư lượng nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Khoảng gần 5 năm trở lại đây, do mực nước ngầm sụt giảm, nhiễm phèn nặng nên việc tìm nguồn nước sạch để sử dụng gặp không ít khó khăn.
Bà Võ Thị Vĩnh, trú thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc cho biết, tình trạng sụt giảm và ô nhiễm nguồn nước ngầm chỉ mới diễn ra khoảng 5 năm trở lại đây. Những năm trước đó, dưới vùng cát của xã Ngư Thủy Bắc lượng nước ngọt ngầm dồi dào và sạch do được lọc tự nhiên qua nhiều lớp cát dày.
Giờ đây, mỗi lần nguồn nước giếng khoan của gia đình bà Vĩnh cùng nhiều hàng xóm được bơm lên lại nồng nặc mùi phèn, màu vàng khè.
"Tôi ở đây 20 năm rồi, nhưng 5 năm trở lại đây nguồn nước mới bị ô nhiễm. Nước ngầm sụt giảm và nhiễm phèn nên gia đình tôi đã khoan giếng đến 3-4 lần với độ nông sâu khác nhau, ở nhiều vị trí trong vườn. Nước ngầm trong cát bơm lên mát lạnh nhưng mùi phèn nồng nặc, không đảm bảo an toàn để sử dụng", bà Vĩnh chia sẻ.
Ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, xã này hiện có 5 thôn với 1.180 hộ dân. So với nhiều năm trước, mực nước ngầm trong cát tại xã Ngư Thủy Bắc giảm chừng 2-3m và nhiễm phèn nặng. Tình trạng thiếu nước sạch do nước ngầm sụt giảm, nhiễm phèn đang ảnh hưởng tới hơn 50% số hộ dân tại xã.
"Những năm gần đây, nguồn nước ngầm dần cạn kiệt và nhiễm phèn nặng đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Hiện xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung. Người lo sợ nếu sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong thời gian dài sẽ sinh ra nhiều bệnh tật", Chủ tịch xã Ngư Thủy Bắc cho hay.
Chờ đợi đến bao giờ?
Để tìm kiếm nguồn nước không bị ô nhiễm, một số người dân khoan nhiều giếng khu mực gần mép nước biển nhưng nguồn nước này vẫn có tình trạng nhiễm phèn. "Vạn bất đắc dĩ", người dân phải mua từng bình nước lọc về để sử dụng. Gia đình nào có nhu cầu cao hơn thì bỏ ra số tiền lớn mua máy lọc nước hoặc xây dựng bể lắng, lọc để xử lý nước phèn. Nhưng qua hệ thống lọc, nước thường vẫn có mùi khó chịu. Lượng phèn nhiều, cứ vài ngày người dân lại phải thay lõi lọc.
"Người dân vùng bãi ngang đa phần nghèo khó. Lâu nay do thiếu nước sạch phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để mua từng bình nước lọc. Một số nhà xây bể lắng lọc, mua máy lọc nước thì thường xuyên phải thay lõi lọc, như vậy cũng rất tốn kém", ông Ngô Văn Tình, Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc cho biết.
Anh Nguyễn Văn Bền, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy cho biết, các hộ dân thiếu nước sạch ở xã Ngư Thủy Bắc mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng sớm có phương án để cung cấp nước sạch cho người dân.
"Mấy năm nay mọi người làm hết cách rồi. Người dân thử khoan thêm mấy cái mới nhưng vẫn không có nước sạch. Hai ba ngày thay lõi lọc liên tục nhưng nước vẫn bẩn và hôi lắm. Hy vọng thời gian tới có nước sạch cho dân chứ giờ người dân rất khổ", anh Bền nói.
Không chỉ xã Ngư Thủy Bắc mà nhiều địa phương vùng ven biển huyện Lệ Thủy cũng gặp phải tình trạng giảm sút nguồn nước ngầm và nhiễm phèn. Tại xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy), người dân cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch để sử dụng.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, (Quảng Bình) cho biết, tại địa phương này, có gần 50 % hộ dân (707/1.468 hộ dân) phản ánh tình trạng nước ngầm tự khai thác bị nhiễm phèn nặng.
Được biết, để đảm bảo nước sạch cho người dân, chính quyền xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc có kiến nghị cấp trên xem xét, hỗ trợ vốn xây dựng nhà máy cấp nước tập trung.
Nhằm tránh tình trạng người dân phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt kéo dài, tỉnh Quảng Bình cần sớm chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, nghiên cứu và hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân tại vùng bãi ngang này.