1. Trang chủ /
  2. NGƯỜI GỐC VIỆT NAM LÀ NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH: Cần sớm gỡ vướng mắc trong cấp số định danh cá nhân

NGƯỜI GỐC VIỆT NAM LÀ NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH: Cần sớm gỡ vướng mắc trong cấp số định danh cá nhân

thứ năm, 18/8/2022 09:43 GMT+07
(PLM) - Qua hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một vướng mắc đang nổi lên là Luật không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam là người không quốc tịch nhưng đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Vướng mắc này cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Bộ Công an cho biết, tính đến 16/7/2022 đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống; đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia; tiến hành cấp được hơn 67 triệu thẻ CCCD có gắn chip (bao gồm cả trường hợp cấp lần đầu và cấp đổi, cấp lại) cho khoảng 65 triệu công dân.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật CCCD năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, đáng chú ý là Luật không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam là người không quốc tịch nhưng đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Do nhiều yếu tố liên quan đến lịch sử, chiến tranh nên thực tế hiện nay còn rất nhiều trường hợp như trên cần phải có chính sách, quy định pháp luật để giải quyết, quản lý chặt chẽ những người này; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống.

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung một số nhóm thông tin đối với công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại

Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước vào Luật CCCD. Theo đó, bổ sung thông tin về người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước…

Cũng theo Bộ Công an, hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe... Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta.

Trong khi đó, Luật CCCD không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD (bao gồm thông tin về CCCD và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ CCCD qua chíp điện tử và mã QR code) nên việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ CCCD vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều đơn vị chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về việc tích hợp các thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD (qua chip điện tử trên thẻ CCCD và mã QR code) để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi thống nhất với Bộ Công an.

Những thông tin được tích hợp vào thẻ CCCD có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp. Theo đó, sẽ bổ sung quy định về loại thông tin được tích hợp (như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe… vừa nêu trên); quy định về giá trị của thông tin được tích hợp vào thẻ CCCD; quy định chuyển tiếp, lộ trình tích hợp thông tin; quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện tích hợp thông tin; quy định về sửa đổi, bổ sung một số Luật có liên quan quy định về việc tích hợp, sử dụng thẻ CCCD thay thế cho việc sử dụng các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp.

 (Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 230 ra ngày 18/8/2022)