Người Hà Nhì ở Tả Ló San
Với vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, Tả Ló San được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm với nhiều chính sách đặc thù...
“Triệu phú” rừng, giữ vững vành đai biên giới
Trở lại Tả Ló San sau gần 10 năm, cảm nhận của chúng tôi đó là sự đổi thay tích cực về cơ sở hạ tầng, đời sống, dân cư nơi đây. Số hộ gia đình của bản tăng từ 12 hộ năm 2013 lên 26 hộ, 96 khẩu vào năm 2022. Không chỉ vậy, những ngôi nhà vách đất của người Hà Nhì năm nào đã được thay thế bằng nhà gỗ, xây, mái tôn vững chãi; 100% đường nội bản được bê tông hóa; mạng di động (Viettel) đã phủ sóng 4G chứ không còn cảnh quay ngược ra mỏm núi cách bản 5km để “hứng sóng” như trước.
Điểm đặc biệt ở Tả Ló San đó là rừng phòng hộ bao quanh bản rộng tới hơn 2.755ha, trong đó hầu hết là rừng nguyên sinh, dưới tán là hệ sinh thái động, thực vật rất phong phú. Đó cũng chính là điều mà chúng tôi cảm thấy vui mừng nhất khi “lá phổi xanh” đó vẫn tươi tốt như năm nào. Bìa rừng cách khu dân cư chỉ khoảng 300m nhưng có nhiều thân cây lớn, tán rậm rạp. Và dù bìa rừng ở gần con người nhưng theo quan sát, những loài động vật như sóc, chim vẫn chọn nơi này để sinh sống…
Chúng tôi gặp ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng ban Công tác mặt trận bản - Trưởng bản Tả Ló San đầu tiên và giữ chức này 19 năm (bàn giao cho trưởng bản mới năm 2020). Theo người đàn ông Hà Nhì này, rừng Tả Ló San hiện nay không chỉ mang ý nghĩa về bảo tồn thiên nhiên, đảm bảo sinh thái, giữ đất đai mà còn đóng vai trò về kinh tế thiết thực cho dân bản.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Tả Ló San tính theo đầu người cao nhất tỉnh. Cụ thể, chỉ trong năm 2021, bản được hưởng hơn 2,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng; đến năm nay, mỗi khẩu được hưởng 18 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi hộ 6 khẩu trở lên sẽ hưởng từ trên 100 triệu đồng/năm từ rừng - một khoản tiền mà những hộ ở vùng sâu, vùng xa không đơn giản để làm ra được.
Nguồn kinh tế vững vàng ấy biến người Hà Nhì ở Tả Ló San trở thành “triệu phú”, giúp họ ổn định cuộc sống, vững vàng bám trụ nơi vành đai biên giới. “Về mặt tinh thần, ý thức, người dân bản luôn xác định mỗi người là một “cột mốc sống” giữ vững chủ quyền lãnh thổ với 3 mốc quốc giới (từ mốc 14 đến mốc 16), không vi phạm pháp luật và tham gia vào các hoạt động kiểm soát, duy trì an ninh - trật tự địa bàn. Cũng chính vì điều này, dù là bản ở khu vực sâu, xa bậc nhất của tỉnh nhưng Tả Ló San luôn được Nhà nước, chính quyền quan tâm đầu tư hạ tầng, sinh kế, khuyến khích người dân an cư, mở rộng quy mô dân số bằng những chính sách thuộc diện tốt nhất”, ông Lỳ Khò Chừ cho biết thêm.
Nỗi niềm băn khoăn...
Theo thống kê của UBND xã Sen Thượng, bản Tả Ló San hiện nay có 17 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 65% và 3 hộ cận nghèo; người dân bản canh tác, sản xuất 16ha ngô, 4,2ha lúa (chủ yếu là lúa nương, lúa nước rất ít); cả bản có 130 con trâu, bò, trong đó 6 hộ nuôi theo mô hình trang trại khoanh nuôi dưới tán rừng. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở Tả Ló San vẫn thuộc diện khá cao.
Theo chia sẻ của Trung tá Phạm Văn Phan, Tổ Công tác Tả Ló San, Đồn Biên phòng Sen Thượng: “Trước đây, bộ đội biên phòng đã có chương trình hỗ trợ người dân Tả Ló San khai hoang ruộng nước nhằm tăng năng suất lúa, đảm bảo an ninh lương thực nhưng sau vài năm, vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, chương trình thất bại nên ruộng nước ở bản gần như không có. Còn vấn đề hộ nghèo thì theo tôi được biết, tiền bà con nhận được từ dịch vụ môi trường rừng không tính vào thu nhập để bình xét hộ nghèo. Vì thế, có hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, mỗi khẩu trong độ tuổi lao động thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng nhưng vẫn là hộ nghèo…”
Nghe chia sẻ của Trung tá Phạm Văn Phan, chúng tôi không khỏi băn khoăn. Bởi lẽ, người dân không làm ruộng, lấy tiền dịch vụ môi trường rừng mua gạo nấu cơm, nấu rượu; không chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh gì ra tiền; con đi học đã có Nhà nước lo vì còn là hộ nghèo. Có thể thế hệ này - những người ổn cư ở bản đã đành như vậy nhưng còn con cháu họ rồi đến lúc cũng phải “sải cánh bay xa” khỏi bản mà mang nặng tư tưởng được “hỗ trợ tuyệt đối” như thế này thì làm sao tồn tại được?
Rời Tả Ló San, chúng tôi mang những băn khoăn này trao đổi với ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng. Ông Giá cho biết: “Có nhiều lí do khiến tỷ lệ hộ nghèo ở Tả Ló San cao nhưng nguyên nhân lớn nhất là hiện nay bản chưa có điện lưới quốc gia, dẫn đến các chỉ số khác như tiếp cận thông tin, thiết chế văn hóa... theo chuẩn nghèo đa chiều của các hộ không đủ điểm thoát nghèo. Chứ “triệu phú” mà nhà không có cái tivi xem, không có cái tủ lạnh để bảo quản thực phẩm... thì chưa thoát nghèo được!”
“Còn về vấn đề sinh kế, phát huy tính tự lực của người dân thì chúng tôi đã bàn thảo, triển khai cả chục năm nay rồi. Năm nào cũng có các đợt vận động khai hoang ruộng nước, phát triển đàn gia súc nhưng chưa triệt để được. Giờ thêm khoản chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại thu nhập cao, thú thật với các anh là chúng tôi vừa mừng vừa... lo! Vừa qua, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng đã tổ chức vận động cụ thể từng hộ: Khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng (2 đợt/năm) hãy tái đầu tư vào chăn nuôi, mua ít nhất một con trâu giống, rồi nuôi theo mô hình liên kết, tạo thặng dư. Chứ tiền biến thành gạo, cơm ngay thì chả mấy mà hết" - Chủ tịch UBND xã Sen Thượng Chang Phạ Giá chia sẻ.