“Người làm báo trong kỷ nguyên số”: Phải luôn xây dựng và trau dồi một bản lĩnh vững vàng
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 với chủ đề "Đoàn kết - Chuyên nghiệp -Văn hóa - Sáng tạo", ngày 18/3, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Chi hội Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Talkshow: "Người làm báo trong kỷ nguyên số". Đây là hoạt động thiết thực của những người làm báo, nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ nghiệp vụ về làm báo trong thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số.
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, từ năm 1990 đến nay công nghệ làm thay đổi toàn bộ quá trình tác nghiệp của phóng viên. Kỹ năng của từng phóng viên trong mỗi thời kỳ có thể khác nhau, nhưng quan trọng nhất là tính chiến đấu và trách nhiệm xã hội. Sức trẻ từ thế hệ phóng viên mới giúp các bạn hòa nhập rất nhanh, chính vì thế, các nhà quản lý cũng rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã ứng dụng AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm mới: Ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác... việc đổi mới và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đi liền với cách thức tiêu dùng và thụ hưởng dịch vụ mới không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là hướng đi kích thích nhu cầu phát triển, vừa gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, vừa mở ra cơ hội cho sự phát triển của đơn vị báo chí, truyền thông.
Bàn về câu chuyện những thách thức của người làm báo trong thời đại kỷ nguyên số, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Điện tử Dân Việt/Nông Thôn Ngày nay cho biết, chính vì chuyển đổi số nên phóng viên trẻ có xu hướng chạy theo những thông tin giật gân, câu khách mà bỏ quên tính nhân văn - "thiên chức" cao cả của báo chí. Đồng thời, báo chí cũng có nguy cơ bị truyền thông xã hội "vượt mặt" trong việc cung cấp thông tin đến độc giả, báo chí có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo.
Khái niệm trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong thời đại thông tin dường như cũng được các diễn giả và người tham dự quan tâm. Điều này xuất phát từ thực tế khách quan của báo chí trong thời đại số hóa. Dù chúng ta càng ngày càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, nhưng những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ phải luôn hướng về giá trị truyền thông giá trị cốt lõi của báo chí, xây dựng và trau dồi cho mình một bản lĩnh vững vàng để có thể vượt qua mọi cám dỗ.
Đề cập đến vấn đề kinh tế báo chí, Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, kinh tế báo chí là một trong ba vấn đề báo chí Việt Nam phải đối mặt trong kỷ nguyên số. Trong đó, việc chuyển đổi số báo chí; tăng cường vai trò của công nghệ là những giải pháp hàng đầu thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác.
Nghề báo là nghề sáng tạo, các diễn giả mong muốn gửi tới thông điệp cho người làm báo phải không ngừng học, lao động, sáng tạo và yêu nghề. Nhà báo phải luôn giữ vững tinh thần chiến đấu, sự cống hiến. Trong thời đại 4.0, báo chí phải có trách nhiệm để những cảm xúc tự nhiên không bị tiêu diệt và mang đến cho độc giả những tác phẩm thực sự có giá trị. Để thích nghi với thời cuộc, báo chí cũng phải thường xuyên kiểm chứng thông tin nhanh nhạy, bám sát thông tin đại chúng, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, đưa tin tức xác thực đến với nhân dân một cách nhanh nhất. Dù chúng ta càng ngày càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, nhưng những người làm báo phải luôn hướng về giá trị truyền thông giá trị cốt lõi của báo chí, đó là định hướng xã hội, tính nhân văn, sự chia sẻ của nhà báo với đời sống xã hội. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời kỳ mới.