1. Trang chủ /
  2. Người lao động, tiểu thương phấn khởi với nhịp sống mới

Người lao động, tiểu thương phấn khởi với nhịp sống mới

chủ nhật, 20/2/2022 08:42 GMT+07
(PLM) - Sau Tết, các tiểu thương nô nức mở cửa kinh doanh, sẵn sàng cung ứng sản phẩm cho làn sóng người ngoại tỉnh quay trở lại TP HCM. Sức sống mới đang bừng lên, báo hiệu một năm hồi sinh và phát triển.

Nhu cầu mua sắm tăng cùng dòng người đổ về

Theo khảo sát, con số người lao động ước tính quay trở lại khu vực TP HCM vào khoảng 350.000 người. Sân bay Tân Sơn Nhất, cung đường từ miền Tây lên TP HCM, các cửa ngõ TP HCM đều ghi nhận tình trạng ùn ứ trong ngày đầu người dân trở lại TP sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.

Với ngành Đường sắt, giai đoạn sau nghỉ Tết Nguyên đán đến ngày 13/2/2022, ngoài 4 mác tàu Thống nhất chạy hàng ngày gồm SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, sẽ triển khai chạy thêm nhiều tàu khu đoạn để phục vụ người dân trở về Hà Nội và TP HCM.

Những người giao hàng tất tả với công việc của mình. Vừa trả lại tiền thừa cho khách, anh Nguyễn Thế Vinh (35 tuổi, tài xế công nghệ) vội vàng lấy điện thoại ra để kiểm tra đơn giao đồ ăn tiếp theo. Anh đang “chạy đua” trong một tiếng ăn trưa của dân văn phòng. Sau kỳ nghỉ Tết, số khách có nhu cầu đặt đồ ăn trên app tăng lên đáng kể so với thời điểm cuối năm.

“Tôi từ quê lên TP Hồ Chí Minh vào mùng 6/2, từ đó mỗi ngày đều tất bật đi giao đồ ăn. Vào giờ này, đến quán nào cũng thấy xếp hàng dài chờ lấy món, nhiều khi phải đợi ngoài trời nắng. Nhưng cái tôi lo nhất là quán ra món lâu, hết giờ nghỉ trưa của khách là họ sẽ hủy đơn”, anh Vinh cho hay. Theo anh Vinh, hiện mỗi ngày anh giao trung bình 20-25 đơn, thu nhập trung bình mỗi ngày từ 500 - 700 ngàn đồng.

Các tiểu thương phấn khởi khi khách khứa ra vào nhộn nhịp. Bà Trần Kim Loan, chủ một tiệm bánh mì trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) rất hồ hởi khi thấy dòng xe chạy tấp nập trên đường. Bà cho biết nhịp sống của thành phố đang dần sôi động trở lại, xe cộ trở nên đông đúc và lại có cảnh kẹt xe mỗi khi tan tầm. Từ mùng 6 Tết, bà đã mở hàng lại xe bánh, bán ngày càng được nhiều.

“Ngày trước bán bánh ngoài đường tôi cũng lo lắm, phải tiếp xúc với biết bao nhiêu người mỗi ngày. Nhưng nay dịch bệnh đã được kiểm soát, tôi cũng dần thích nghi và an tâm hơn. Hiện nay doanh thu của tôi mỗi ngày đã quay trở về xấp xỉ thời điểm trước dịch. Tôi có niềm tin là năm nay dịch bệnh sẽ hết, cuộc sống trở lại yên ổn, việc bán hàng của tôi sẽ khấm khá hơn,” bà Loan chia sẻ.

Nhịp sống Sài Gòn dần vui trở lại.

Nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống... trên địa bàn TP HCM đã đồng loạt mở cửa trở lại toàn hệ thống để phục nhu cầu ăn uống, vui chơi, giải trí của người dân. Trong khi hệ thống nhà hàng, quán ăn tập trung chủ yếu nhóm đối tượng khách hàng là gia đình, người thân…, thì các chuỗi quán cà phê, trà sữa lại là tụ điểm gặp gỡ, giao lưu của các hội nhóm bạn bè, đồng nghiệp. Thực đơn tại những nơi này được niêm yết giá tương đối ổn định, không còn tăng phụ thu như những ngày đầu của kỳ nghỉ Tết 2022. Cá biệt, trong Tết Nguyên đán vừa qua, người dân còn lan truyền thông tin về một nhà hàng phụ thu với mức VAT 100% khiến nhiều người hoang mang.

Bên cạnh đó, có một số chuỗi nhà hàng kinh doanh ăn uống có thương hiệu như Phở 24H còn treo biển thông báo không tăng giá trước địa điểm kinh doanh, tạo được sự tin tưởng lớn với khách hàng.

Tuy tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, nhiều đơn vị tiếp tục duy trì kinh doanh trực tuyến (online) bên cạnh phục vụ trực tiếp tại cửa hàng, đồng thời liên kết với các hãng gọi xe công nghệ triển khai chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng. Khi thanh toán trước, thanh toán không tiền mặt, đơn hàng với số lượng lớn…, khách hàng có thể tận dụng những cơ hội khuyến mãi, giảm giá trong dịp đầu năm này.

Nhịp độ kinh doanh tăng trưởng

Bên cạnh các điểm bán lẻ, nhà hàng ăn uống, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng cũng đang khẩn trương cung ứng hàng hóa thiết yếu ra thị trường, phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân sau kỳ nghỉ Tết vừa qua.

Điển hình, tại Satramart (quận 10), hàng tiêu dùng thiết yếu đã được cung ứng đầy đủ. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cho người dân mua sắm trong dịp đầu năm 2022 cũng được áp dụng cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm, trái cây, bánh, kẹo; quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình...

Còn với siêu thị Co.opXtra (Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức), nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, siêu thị cũng đã khẩn trương cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đầy đủ trên các quầy, kệ, đồng thời gắn biển khuyến mãi lên nhiều sản phẩm để thu hút sự quan tâm của khách hàng ngay từ khi mở cửa hoạt động bình thường trở lại vào sáng mùng 6/2.

Còn tại mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM, các tiểu thương, thương nhân đã mở bán đạt tỷ lệ hơn 70% so với thời điểm bình thường. Tuy nhiên, chỉ có một số mặt hàng có nhu cầu thị trường như thủy hải sản, rau củ, quả; hay những sản phẩm phục vụ nhu cầu lễ cúng, khai trương của người dân như thịt lợn quay, gà quay nguyên con, gà sống nguyên con, trái cây, hoa tươi cắt cành... mới có sức mua tăng cao. Vì vậy, nhiều bên đã chủ động nhập đủ số lượng hàng hóa kinh doanh những mặt hàng này. Giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng được bình ổn, không tăng đáng kể so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2022.

Một người bán bánh tráng trộn hồ hởi mở lại cửa hàng.

Theo thông tin từ đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, lượng hàng nhập chợ ngày 6/2 đạt 689 tấn rau và 794 tấn trái cây, tăng gấp nhiều lần so với ngày đầu chợ hoạt động lại. Tương tự, lượng hàng về chợ đầu mối Bình Điền đang tăng nhanh trở lại với ngày 6/2 đạt hơn 966 tấn, tăng gần 400 tấn so với ngày 3/2.

Chiều 7/2 (mùng 7 Tết), ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) cho biết, hiện các ki-ốt trong chợ đều đã hoạt động lại, lượng hàng nhập về chợ và giá cả các mặt hàng đã trở lại như bình thường.

“Tổng sản lượng hàng hóa nhập về chợ là 1.320 tấn, trong đó rau, củ, quả là 919 tấn, trái cây 288 tấn, thịt heo 113 tấn. Giá cả các mặt hàng rau, củ, trái cây về mức của ngày thường. Từ mùng 7 Tết, các vựa, ki-ốt mở cửa bán lại bình thường, đa số đã hoạt động bán trở lại” - ông Dũng cho biết.

Thống kê nhanh từ một số nhà bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên thị trường thành phố khá dồi dào với giá cả được kiểm soát tốt. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho tiểu thương và người dân trong những ngày đầu năm Nhâm Dần.

Dự báo trong những ngày tới, sức mua trên thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ tăng trở lại. Vì vậy, hầu hết nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh đã và đang triển khai kế hoạch, sẵn sàng phục vụ thị trường và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP HCM, từ khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đã có nhiều khởi sắc.

Riêng trong tháng 1/2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP HCM tăng 5,1%, đạt 73.514 tỉ đồng. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 7,1%, đạt 47.913 tỉ đồng; lưu trú và ăn uống tăng 6,7%, đạt 2.777 tỉ đồng; du lịch và lữ hành tăng 8%, đạt 285 tỉ đồng; dịch vụ khác tăng 1%, đạt 22.539 tỉ đồng.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hầu hết các DN sản xuất và hệ thống phân phối đã khôi phục hoạt động. Bên cạnh doanh nghiệp sản xuất, hiện hầu hết hệ thống bán lẻ cũng đã khôi phục hoạt động. Đến nay, có 213/233 chợ truyền thống, 3.047/3.101 cửa hàng tiện lợi, 45/46 trung tâm thương mại và toàn bộ 106 siêu thị đã mở cửa trở lại.

Những dòng người đông đúc trên đường, những hàng quán mở cửa, những khu phố “ăn chơi” trong thành phố lại sáng đèn. Người lao động hồ hởi từ các tỉnh về TP HCM bắt đầu lại công việc. Sức sống mới đang bừng lên trong thành phố, báo hiệu một năm hồi sinh và phát triển.

Thanh Mai