Người lao động TP.HCM xếp hàng chờ rút BHXH một lần: Lợi trước mắt mà hại lâu dài
Trông chờ rút BHXH một lần
Trong khu trọ yên ắng ở con hẻm nhỏ, đường Bùi Thế Hiển, Quận 8, chị Bùi Thị Ngọc Châu (40 tuổi) lần dở cuốn sổ BHXH để tính toán rút BHXH một lần. Từ Cà Mau lên TP.HCM làm việc 15 năm nay, chị Châu đã tham gia BHXH bắt buộc được 13 năm. Đến nay, công ty may mặc của chị ít việc làm, thu nhập chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, chị quyết định nghỉ việc, chờ rút BHXH một lần.
Chị Châu chia sẻ, thu nhập cả hai vợ chồng nếu có tăng ca cũng được chừng 14-15 triệu, đủ chắt chiu nuôi 2 con nhỏ. Thế nhưng, hiện nay, rất nhiều người có ý định rút BHXH một lần để về quê, nên chị cũng muốn rút để về quê Cà Mau, bắt đầu một công việc mới ở quê hoặc cất căn nhà nhỏ sinh sống.
"Tôi cũng như mọi người, sau bao nhiêu năm ráng làm công nhân thì cũng muốn rút tiền bảo hiểm để về quê, có một số vốn để buôn bán chứ không lẽ đi làm mướn hoài. Ví dụ như mấy người thành phố thì trong lúc chờ đến khi nhận lương hưu, họ vẫn có nhà để ở, còn tôi chờ thì phải tốn tiền phòng trọ rồi ăn uống, rồi còn khoản này khoản kia", chị Ngọc Châu tâm sự.
Còn chị Nguyễn Thị Trân, 38 tuổi là một trong 1.200 công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân, TP.HCM bị cắt giảm trong đầu tháng 12 năm ngoái sau hơn 10 năm gắn bó với công ty.
Đến nay, sau gần nửa năm mất việc, chị Trân chưa xin được công việc ở công ty khác mà vẫn đi làm thời vụ, nhận lương mỗi ngày. Công việc của chị là cắt chỉ cho đơn vị tư nhân nhỏ về may mặc.
Chị Trân cho biết, chồng chị hiện đang là lao động chính trong gia đình nhưng cũng chỉ là làm nghề xe ôm công nghệ, thu nhập giảm sút. Vợ chồng chị có tới 3 đứa con, trong đó 2 đứa nhỏ phải gửi ở quê, gia đình thêm khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Trân xác định đợi thêm vài tháng cho trai lớn học xong lớp 6 tại TP.HCM, chồng đưa con về quê. Chị đợt rút BHXH một lần rồi cũng về quê ổn định luôn chứ không bám trụ thành phố nữa:
"Tôi không xin vô công ty làm nữa mà để chờ rút BHXH một lần. Giờ vô công ty nhiều nơi họ không tuyển người nữa. Tuổi tôi cũng lớn rồi. Giờ làm thời vụ bấp bênh vậy đó. Đáng ra tôi định tiếp tục đóng BHXH nhưng mà do hoàn cảnh công ty như vậy thì rút luôn. Nếu công ty hoạt động bình thường thì tôi không nghỉ ngang để rút bảo hiểm", chị Trân cho hay.
Sửa luật BHXH theo hướng gia tăng quyền lợi
Thực trạng người lao động mất việc muốn rút BHXH để giải quyết khó khăn trước mắt là điều không ai mong muốn, song bên cạnh đó, không ít người lao động muốn nghỉ việc giữa chừng để nhận BHXH.
Một số doanh nghiệp, cán bộ công đoàn bức xúc phản ánh, có rất nhiều công nhân đi làm lúc 18-20 tuổi, khi đến 30-35 tuổi thì chủ động nghỉ việc, xin làm thời vụ, chờ đủ 12 tháng rút BHXH một lần. Thậm chí, nhiều nhà máy có đến hơn một nửa lao động nộp đơn nghỉ, khiến sản xuất bị xáo trộn.
Đối với người lao động, sau khi rút bảo hiểm, nếu quay lại nhà máy, lương cơ bản quay về mức khởi điểm chưa đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Vì vậy, cần có sự tính toán, thay đổi chính sách BHXH phù hợp hơn để hạn chế người lao động rút BHXH một lần.
Theo ông Trần Hải Nam - Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ở lần sửa đổi Luật BHXH này, ban soạn thảo rà soát lại các vấn đề tồn tại bất cập của chính sách hiện hành; đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động lựa chọn bảo lưu thời gian đóng, tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu hàng tháng.
Dự thảo luật cũng đề xuất hai phương án về hưởng BHXH một lần để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Ông Trần Hải Nam cho rằng, để người lao động không nhận một lần thì làm sao để họ không bị mất việc làm.
"Nếu như chúng ta làm tốt được chính sách về thị trường lao động, duy trì việc làm hoặc là tạo điều kiện cho người lao động sớm chuyển đổi, họ có thể ngừng việc ở chỗ này nhưng mà tiếp cận được công việc mới ngay. Còn trong những cái tình huống bất đắc dĩ họ phải nghỉ việc và không có điều kiện quay trở lại thì chúng ta cũng cần tính tới các cái giải pháp, để thay vì chỉ trông chờ BHXH một lần thì họ có thể tiếp cận được các cái nguồn tài chính khác", ông Nam nói.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được lấy ý kiến đến hết tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Trong khi chờ đợi những chính sách có nhiều quyền lợi, các chuyên gia khuyến khích người lao động nên cân nhắc tình hình tài chính để quyết định rút BHXH một lần. Nếu nộp hồ sơ giải quyết BHXH một lần, nên sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến để hạn chế tụ tập ở các cơ quan BHXH, hạn chế phải chờ đợi lâu.
Theo BHXH Việt Nam, thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia cho đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên, pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này.
Thực tế cho thấy, khi rút BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; số tiền nhận về thấp hơn. Đồng thời, khi về già người lao động không có lương hưu và mất nhiều quyền lợi an sinh khác.
Vì vậy, BHXH Việt Nam khuyến cáo người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Cách tốt nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già và được cấp thẻ BHXH để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.