1. Trang chủ /
  2. Người lính hải quân VN: Khi ý chí giữ biển, đảo đã ngấm vào máu thịt

Người lính hải quân VN: Khi ý chí giữ biển, đảo đã ngấm vào máu thịt

chủ nhật, 7/5/2023 10:54 GMT+07
Ở quần đảo Trường Sa - nơi tiền tiêu Tổ quốc, những người lính hải quân tuổi mười tám, đôi mươi đang ngày đêm là nhiệm vụ canh từng tấc đảo, từng sải sóng thiêng liêng để giữ vững chủ quyền biển đảo.
Chiến sỹ hải quân trên đảo Len Đao thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Chiến sỹ hải quân trên đảo Len Đao thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

“Em ra đảo đã được 4 tháng, ban đầu mới ra đảo còn lạ lẫm, chưa quen với cái nắng, cái gió khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, nhưng hơn tất cả là cảm xúc rất tự hào, là tinh thần của tuổi trẻ có thể vượt qua tất cả. Bởi đó là niềm hãnh diện và vinh dự khi tuổi trẻ được cống hiến, làm nhiệm vụ nơi vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”

Chàng chiến sỹ hải quân Thiều Tấn Dương - tuổi đôi mươi với gương mặt rạng ngời, sạm đen vì nắng gió chân thành chia sẻ những lý tưởng, hoài bão khi thực hiện nhiệm vụ tại đảo đá Len Đao, khu vực quần đảo Trường Sa.

Giữ từng rạn san hô, từng con sóng mãi bình yên

Ở quần đảo Trường Sa - nơi tiền tiêu Tổ quốc, những người lính hải quân tuổi mười tám, đôi mươi đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh từng tấc đảo, từng sải sóng thiêng liêng để giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam. Mặc cho bão táp mưa dông, người lính đảo với sức mạnh của tuổi trẻ và nghị lực kiên trung vẫn đang ngày đêm hiên ngang như cây phong ba sừng sững giữ cột mốc chủ quyền trên biển Đông.

Nguyễn Phi Hoàng (27 tuổi, quê ở Hải Phòng) - Phó Thuyền trưởng Tàu Trường Sa 20 kể đã gần 2 tháng anh và những người đồng đội của mình sống trên tàu biển làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu tại đảo Sinh Tồn Đông. Nhiệm vụ hàng ngày là đi tuần tra ở xung quanh đảo, trong phạm vi từ 30-40km nhằm xua đuổi tàu cá của nước ngoài có dấu hiệu xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Lênh đênh trên tàu biển làm nhiệm vụ đã hơn 50 ngày, đến nay khi có đoàn công tác tới đảo Sinh Tồn Đông, Hoàng và đồng đội mới “đáp đảo” vào nhận hàng và quà từ đoàn công tác ra thăm khu vực quần đảo Trường Sa.

Nguyễn Phi Hoàng - Phó Thuyền trưởng Tàu Trường Sa 20 (phải) và người đồng đội. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Hơn 50 ngày cuộc sống sinh hoạt của những chiến sĩ Tàu Trường Sa 20 chỉ quẩn quanh trên con tàu làm nhiệm vụ giữa biển khơi, mắt dõi theo chiếc màn hình rada để theo dõi phạm vi hoạt động của các tàu cá nước ngoài.

"Tàu cá của nước ngoài rất đông, đặc biệt nhiều tàu với phương châm lấn dần từng ngày vào lãnh hải vùng biển của nước ta. Mình thấy họ xâm phạm thì đi xua đuổi và nhắc nhở, tuyên truyền. Trong gần hai tháng đã có hơn 50 tàu nước ngoài được lực lượng hải quân chúng tôi tuyên truyền nhắc nhở, với các thứ tiếng như tiếng Trung Quốc, tiếng Anh,” Phó Thuyền trưởng Tàu Trường Sa 20 cho biết.

Hoàng cho hay để làm tốt công tác tuyên truyền ngoài bộ đàm tài liệu được hải quân vùng trang bị thì các cán bộ trên tàu cũng đã được đào tạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh để có thể phát loa tuyên truyền trực tiếp cho các tàu cá vi phạm để họ nhận thức và rời xa… Đặc biệt, trong khi làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, Tàu Trường Sa 20 luôn sẵn sàng hỗ trợ ngư dân Việt đánh bắt xung quanh gặp nạn hay trường hợp cấp cứu.

Một đợt thực hiện nhiệm vụ của Hoàng và những người đồng đội của mình trên biển khoảng 3-4 tháng. Thời gian tuy có dài, thời tiết tuy có khắc nghiệt nhưng đã là nhiệm vụ thì họ không nề hà. Anh em sinh hoạt trên tàu xa gia đình, thi thoảng gọi điện về nhà thăm hỏi tin tức, rồi những khi rảnh rỗi luyện tập thể thao, đọc sách báo…

Chiến sỹ Thiều Tấn Dương tại đảo Len Đao. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Tại đảo Len Đao, chiến sỹ Thiều Tấn Dương cho hay được sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng công sức và lý tưởng của lớp lớp thế hệ thanh niên hải quân trẻ hiện nay. Dương cho rằng những bài học, những kinh nghiệm đã và đang trải nghiệm khi làm nhiệm vụ trên đảo sẽ là hành trang đi theo suốt cuộc đời, để mỗi người lính hải quân trẻ góp một phần nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc như thế hệ đi trước đã gìn giữ bằng máu xương và tuổi xuân của họ.

Sự hy sinh thầm lặng

Việt Nam với thế mạnh khi có bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam và là nước đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới.

Có đi, có tận mắt chứng kiến những khó khăn mới thấu hiểu được lòng dũng cảm, sự hy sinh cũng như tình yêu quê hương, đất nước của những chiến sỹ hải quân.

Thời tiết trên biển khá khắc nghiệt, như ở quần đảo Trường Sa, mỗi năm có đến 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Những con số đó cho thấy giữa biển Đông xanh ngút ngàn, những người chọn “biển đảo làm quê hương” phải nỗ lực thật nhiều, phải kiên cường với tinh thần thép để gìn giữ cho từng rạn san hô, cho từng con sóng biển quê hương mãi bình yên vỗ bờ...

Ông Nguyễn Hoài Bắc - Doanh nhân, Việt kiều tại Canada. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Trong Đoàn công tác số 4/2023 ra thăm các đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1, ông Nguyễn Hoài Bắc - Doanh nhân, Việt kiều tại Canada bày tỏ sự cảm phục ý chí kiên cường của các chiến sỹ hải quân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

Ông Bắc tâm sự sau hải trình 4 ngày, 3 đêm trên biển, đoàn đã đặt chân lên các điểm đảo gồm: đảo Sinh Tồn Đông, đảo Len Đao, đảo Đá Tây B và Đảo Trường Sa lớn, đã tận mục sở thị từng viên đá, hạt cát và bắt tay những chiến sỹ hải quân còn rất trẻ. Được chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của các cán bộ chiến sỹ trên đảo, các thành viên của đoàn cảm nhận sâu sắc tinh thần vì quê hương, vì Tổ quốc mà dấn thân, phụng sự của các chiến sỹ trẻ.

“Trước khi tới Trường Sa, đa phần bà con kiều bào chưa hiểu được thực tế của các chiến sỹ hải quân quân đội nhân dân Việt Nam bảo vệ biên giới tuyến đầu của Tổ quốc, lần này chúng tôi đã thấy được. Các thành viên trong đoàn cảm nhận được sự hy sinh vô bờ bến của các chiến sỹ hải quân quân đội nhân dân Việt Nam, của bà con sống trên đảo và thấy được sự đồng lòng của 100 triệu người dân trong nước cũng như bà con kiều bào, chúng ta cảm nhận được rằng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam vẫn được giữ vững.

(Ảnh: Hồng Sơn/Vietnam+)

Ông Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ hơn bao giờ hết, những chuyến hải trình như thế này giúp mọi người thấy được sự hi sinh thầm lặng của những chiến sỹ nơi tiền tiêu của Tổ quốc, muốn đóng góp dựng xây cho biển đảo quê hương nhiều hơn. Đây là một chuyến đi mang đầy ý nghĩa, một dấu ấn in đậm trong tim mỗi thành viên trong Đoàn. Qua hải trình này, mỗi kiều bào sẽ là một đại sứ lan toả sự thật, lan toả yêu thương và cả những khó khăn, vất vả của các chiến sỹ và người dân trên đảo đến hơn 5,3 triệu kiều bào và cộng đồng toàn thế giới. 

Luôn sáng lên tinh thần bất tử

Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng (07/5/1955-07/5/2023) qua 68 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành đã bảo vệ, giữ vững trật tự an ninh trên các vùng duyên hải và bảo đảm an toàn cho nhân dân đi lại làm ăn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Thuyền trưởng Tàu 571 Phan Tiến Định theo dõi hải trình của chuyến đi. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra yêu cầu cao hơn và đang được lớp lớp thế hệ những chiến sỹ hải quân duy trì.

Được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên những năm 2010-2015 là thời kỳ Hải quân nhân dân Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh, tạo bước biến đổi quan trọng cả về lượng và chất. Đến năm 2014, Hải quân đã có đủ 5 thành phần lực lượng chiến đấu gồm: Tàu mặt nước; Tàu ngầm; Không quân Hải quân; Pháo binh-Tên lửa bờ; Hải quân đánh bộ-Đặc công Hải quân và các lực lượng phục vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự Hải quân.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Đây cũng là sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và của thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân nói về lực lượng hải quân:

“Trong giai đoạn hiện nay, để hoàn thành nhiệm vụ được giao bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ngoài sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam, rất cần sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời của các cấp ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và các kiều bào ở nước ngoài… để có một Trường Sa ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Làm sao để lực lượng hải quân thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước,” Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng chỉ rõ. 

Khẩu hiệu “đảo là nhà, biển cả là quê hương” của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam được gắn trang trọng trên các điểm đảo. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Với những người lính hải quân, dẫu vẫn biết gian lao khó nhọc và thầm lặng hy sinh, dẫu vẫn biết chiến tranh hay thời bình nỗi vất vả gian lao bao giờ cũng đặt lên vai họ, song tất cả vì sự bình yên của nhân dân cả nước, vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các chiến sỹ hải quân đã chấp nhận tất cả, sẵn sàng hi sinh quên mình. 

Giữa muôn trùng sóng gió, xa đất liền, cuộc sống còn nhiều khó khăn, những ở những người lính hải quân nhân dân Việt Nam vẫn luôn sáng lên tinh thần bất tử lấy “đảo là nhà, biển cả là quê hương.” Ngày nay, lớp lớp những người lính hải quân vẫn tiếp tục nối tiếp nhau thực hiện sứ mệnh bảo vệ gìn giữ chủ quyền các vùng biển của Tổ quốc - để mãi mãi là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, là phên dậu, là tai mắt của Việt Nam trên Biển Đông, giữ vững bình yên cho mọi người, mọi nhà./.

68 năm qua, Hải quân nhân dân Việt Nam hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 02 Huân chương Sao Vàng, 02 Huân chương Hồ Chí Minh, 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì, 03 Huân chương Quân công (1 hạng Nhất và 2 hạng Nhì), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Ba và 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đã có 80 lượt tập thể, 46 đồng chí được tuyên dương anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng Lao động; 7.254 lượt tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và Huân chương Lao động các hạng.