Người Mông vui Tết Độc lập trên cao nguyên
Trong những ngày này, trên cao nguyên Mộc Châu đâu đâu cũng sắc màu rực rỡ, không khí rộn ràng náo nhiệt. Dọc các tuyến đường, ngõ xóm quanh thị trấn Mộc Châu, cờ, băng rôn chào mừng kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám 19/8 và Quốc khánh 2/9 tung bay.
Người Mông thường xuống chợ từ ngày mùng một. Tối mùng một là phiên chợ tình trước Tết Độc lập, là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo của người Mông nói riêng, các dân tộc anh em Tây Bắc nói chung. Già trẻ, trai gái, thanh niên, nam nữ sẽ hẹn gặp chơi quay, chơi pao, thổi sáo, hẹn hò.
Trước đây, cuộc sống khó khăn, có người đi bộ mấy ngày, mấy đêm, băng rừng, vượt núi để đến chợ. Ngày ấy, ai xuống chợ bằng ngựa đã được gọi là xa xỉ, giàu có. Hình ảnh các gia đình cả chồng lẫn vợ và đứa con nhỏ ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa đi trên con đường xuống chợ từng là hình ảnh quen thuộc. Ngày nay, khi cuộc sống khấm khá, no ấm, nhiều người Mông đã sắm xe máy, ô tô… nên đường xuống chợ vui Tết ngắn lại, thuận lợi hơn.
Nhiều cặp đôi thanh niên gặp nhau ở phiên chợ Tết Độc lập đã nên vợ, nên chồng. Cũng có mối tình không đến hôn nhân, nhưng vẫn giữ mối quan hệ bạn bè. Họ gặp lại nhau trong đêm Tết Độc lập, thăm hỏi động viên nhau trên bước đường đời. Vì vậy, đêm về khuya, có khi bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con trai, con gái lớn đi lối riêng của mình. Họ hẹn nhau đến sáng thì đợi ở một điểm nào đó để cùng về bản, tuyệt nhiên không hỏi đêm qua gặp ai, ở đâu, làm gì...
Các cao niên kể lại, năm 1945, khi nghe tin ngày 2/9 là ngàyBác Hồ kính yêu đọcTuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ngày đó đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu còn nghèo lắm, đường sá đi lại rất vất vả, nhưng vẫn đi bộ tới thị trấn để mừng ngày trọng đại, nhiều người đến nơi thì trời đã nhá nhem tối. Từ đó, cứ vào dịp 2/9 hằng năm, người trên bản lại rục rịch chuẩn bị xuống trung tâm huyện gặp mặt, cùng nhau đi chơi.
Tết Độc lập ở Mộc Châu sau này kéo dài từ 29/8 đến ngày 2/9, nhưng đông vui nhất là ngày 1/9. Nếu Tết truyền thống tổ tiên người Mông gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng, cộng đồng bản hoặc giữa bản này với bản kia thì Tết Độc lập 2/9 phạm vi rộng hơn, liên kết cộng đồng người Mông giữa các vùngmiền.Không chỉ có bà con người Mông ở Sơn La, mà người Mông ở các địa phương khác về cũng rất nhiều, từ Hòa Bình, Yên Bái, đến Điện Biên… Để tới lễ hội, bà con thường chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất,rực rỡ nhất.Trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn. Gái thì rực rỡ áo váy, tay cầm đàn môi, leng keng nhạc ngựa. Sắc cờ đỏ thắm mừng ngày Tết Độc lập 2/9 hòa cùng sắc màu rực rỡ trang phục của đồng bào dệt nên bức tranh đa sắc màu, đẹp ngỡ ngàng.
Trong không khí vui Tết Độc lập, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con dân tộc và khách du lịch như: Thi giã bánh, thi nấu cơm, tung còn, đi cà kheo, vật gậy, đánh tu lu, ném pao, trò chơi rồng ấp trứng… Các tiết mục biểu diễn dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc được tổ chức trên đường phố. Đến với Mộc Châu dịp này, du khách còn được thưởng thức ẩm thực dân tộc đặc sắc, hay dạo quanh các khu trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công cụ lao động sản xuất...
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 244 -248 ra ngày 1-5/9/2022)