Người thầy đầu tiên
1. Người thầy đầu tiên, ngoài cha mẹ, là những người thầy sẽ theo mỗi chúng ta tới suốt cuộc đời. Hồi đó lớp 2, tôi sống với chú ở một thị xã nhỏ. Thỉnh thoảng chú đi công tác, tôi đã tới ở nhà cô. Nhà cô có vườn hồng, có bà và các em con nhà em trai cô… Có lần tôi bị sốt, tôi đã được cô và cả nhà lo lắng, chăm sóc như trong gia đình… Khi tôi học lớp ba và không còn ở thị xã nhỏ bé nữa, cô vẫn luôn dõi theo và quan tâm như một người mẹ… Có lẽ, bởi tôi không được sống cùng mẹ trong tuổi ấu thơ, nên dường như cuộc sống cũng luôn bù trừ cho tôi những kỷ niệm và những ký ức đẹp đến thế. Để những cảm xúc, những yêu thương, trân trọng được lớn lên theo năm tháng…
Sau này, tôi có thêm những người thầy nữa, những người thầy bằng sự tinh tế, đã cho chúng tôi những bài học. Về sau này, trong những kỷ niệm nghịch dại tuổi học trò, những thầy cô năm tháng đó đã vẫn luôn vẹn nguyên tình thầy trò, khi chúng tôi có dịp quay trở lại. Năm ngoái, hai bạn nữ trong lớp (chúng tôi học chuyên Toán cấp hai, nhưng lớp chỉ còn sót lại ba bạn nam khi kết thúc lớp 9) đã đại diện lớp mời hai cô Văn, Toán một chuyến đi miền Trung. Ở đêm trăng phố cổ Hội An, bạn bảo, bỗng ca khúc Biết ơn thầy cô vang lên, cảm xúc khi ấy thật tuyệt vời…
Mãi đến khi trưởng thành, chúng ta mới biết, những điều ở lại trong cuộc đời mỗi người luôn ngọt ngào và vô giá. Rất nhiều tiến sỹ tôi gặp và hỏi, ai là người cho bạn sự ảnh hưởng, những ngã rẽ rất nhiều trong đó là người thầy của họ, là những thầy cô trong những năm tháng ấu thơ như thế…
2. Cứ nhắn tin cho thầy. Câu chuyện kể về một học sinh đến lớp chỉ để ngủ nên có biệt danh Vinh “ngủ”. Em ngủ vì ban đêm làm thêm ở quán bar nên 1 - 2 giờ sáng mới về nhà. Rồi một ngày, thầy Cường - giáo viên chủ nhiệm của Vinh - ghé quán bar, chỉ để chờ Vinh và chở cậu về. Thầy còn đề nghị “từ ngày mai, khi nào em ở quán bar về thì nhắn tin cho thầy”.
Thầy khẳng định: “Muộn thầy cũng sẽ chờ, cứ nhắn tin cho thầy”. Và dù là đêm đã khuya thì khi nhận được tin nhắn của Vinh, thầy chủ nhiệm luôn nhắn lại ngay: “Ừ, em ngủ ngon nhé”.
Những việc tưởng chừng rất đơn giản như thế nhưng lại là ngọn gió mát lành đối với cậu học trò cô đơn như Vinh. Mà chưa hết, thầy chủ nhiệm còn đến nhà dạy kèm môn Toán cho Vinh.
Thầy còn nhắc nhở, động viên, làm “cái đồng hồ báo thức” cho học trò vào mỗi buổi sáng, để bây giờ, Vinh là một kỹ sư phần mềm.
Đó là tuyển tập những câu chuyện xúc động về thầy - cô. Những ứng xử tinh tế như trong chuyện Tiết học cuối của Nam. Tình yêu thương vô điều kiện như trong chuyện Cứ nhắn tin cho thầy. Sự kiên trì, nhẫn nại như chuyện Gởi con, cô bé ở trường nội trú… Thầy cô giáo đã tạo nên sự khác biệt trong suy nghĩ, hành động và nếp sống của từng học sinh. Có những bài học của thầy cô đã vượt qua cả bốn bức tường lớp học, hình thành triết lý sống, kim chỉ nam cho cả cuộc đời học sinh, để học sinh có điểm tựa trong những ngày chông chênh nhất. Chính thầy cô đã tạo động lực buộc trò phải bước ra khỏi vùng an toàn để học cách hoàn thiện mình, như chuyện Tôi đã đẹp dần lên vì có cô.
Chuyện thầy trò đôi khi chỉ là những cú chạm như tình cờ nhưng thật ra là có chủ đích của thầy cô. Mục đích để giúp học trò kết nối với bản thân, trân trọng, yêu thương bản thân mình hơn. Các em tự tin đi qua bao nhiêu khó khăn và tìm chỗ đứng trong cuộc đời. Rồi từ đó trò học cách lan tỏa giá trị mà mình đã nhận được đến với cộng đồng, như các chuyện Vị phụ huynh đặc biệt, Bài học trên xe đạp, Điều kỳ diệu…
Câu chuyện Nhớ cô lớp 1, cô hiệu phó vào lớp tuyên bố phần thưởng dành cho bạn có bàn tay sáu ngón. Đây là một bài học về tôn trọng sự khác biệt.
Chuyện thầy trò là những câu chuyện có thật, được hai cây bút viết về giáo dục là Chu Hồng Vân (Vĩnh Hà) và Hoàng Hương ghi lại. Tuy nhiên, chị Vĩnh Hà chia sẻ câu chuyện về Người thầy đầu tiên, chị đặt ở chương ba, chứ không phải ở chương đầu tiên.
Nhiều người cần một khoảng lùi nhất định mới nhận ra, ai là người thầy đầu tiên của mình, một người đã có thay đổi lớn, có ảnh hưởng tới cuộc đời mình. Người mà khi được hỏi người thầy đầu tiên của bạn là ai, thì trong tâm trí bạn ngay lập tức là hình ảnh người thầy thân thương đó!
Và trong chương Người thầy đầu tiên đó, có một bài viết chị viết về bố mình. Đó là một ông giáo trường làng. Người thầy đầu tiên của chị. Chị quyết định đưa bài viết cha mình vào phút cuối. Thế nên, khi cuốn sách ra lò, chị vẫn không tin, có một ngày, chị có một cuốn sách viết về bố. Một ông giáo trường làng, người thầy của anh em chị.
Nhiều năm trước, khi đã ốm lâu, anh em chị hỏi bố có dặn dò gì không? Ông bảo muốn để trên bia mộ ông là thầy giáo trước tên ông. Nghề giáo đầy khó khăn, nhọc nhằn nhưng cũng kỳ lạ như thế. Để đến khi gần đất xa trời, đó vẫn là niềm tự hào, gắn bó và lưu luyến…