Người thầy không đôi bàn chân hơn 25 năm đứng lớp bằng nghị lực phi thường
Người thầy đều đặn đứng lớp dù bị di chứng chất độc da cam
Thầy giáo Đào Thanh Hương (sinh năm 1976) sinh ra ở xã biển Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá có bố là Đại úy quân đội tham gia chiến đấu tại chiến trường B và mẹ là cô giáo làng, vượt lên đạn bom từng ngày cần mẫn dạy chữ cho học sinh. Hơn 25 năm qua, người thầy ấy vẫn đều đặn đứng lớp dù di chứng chất độc da cam đã khiến thầy bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái.
Trong giờ tan trường, phóng viên đã có cơ hội trao đổi nhanh với thầy giáo Đào Thanh Hương về những khó khăn, vất vả mà bản thân đã trải qua để rồi có một thầy giáo giàu nghị lực hôm nay.
Chia sẻ với phóng viên, thầy giáo Hương nhớ lại, từ lúc sinh ra đã mang theo bên mình những khiếm khuyết trên cơ thể do di chứng chất độc da cam từ người cha từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.
Năm lên 3 tuổi, được mẹ cho tập bước đi nhưng với đôi chân ngắn nên cứ bước đi là ngã. Đến khi chai cả vùng da chân, nơi tiếp xúc với mặt đất mới biết đi.
Đến tuổi đi học, thầy giáo Đào Thanh Hương vượt qua mọi mặc cảm, tự ti cùng bạn bè tới lớp. Những năm đầu tới trường, biết bao lần bản thân bật khóc vì bị bạn bè giật cặp sách, trêu chọc là “không tay, không chân”. Nhưng không vì thế mà nhụt chí, liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi cùng nhiều phần thưởng là niềm động viên thầy Đào Thanh Hương tiếp tục đến trường.
Nghẹn ngào nhớ lại năm tháng lên cấp 3, chặng đường tìm đến tri thức của thầy trở nên khó khăn khi ngôi trường THPT cách nhà hơn 10km. Khi đó, thầy Hương nhận ra những khiếm khuyết trên cơ thể đã trở thành rào cản ngăn bản thân theo đuổi ước mơ.
Không cam chịu số phận, thầy giáo Đào Thanh Hương quyết tâm tập đi xe đạp. Cũng chẳng nhớ bao nhiêu lần ngã xe đạp bị bầm dập cả tay chân, có khi tệ hơn là mất xe nhưng với ý chí quyết tâm chiến thắng số phận, thầy giáo Đào Thanh Hương đã chinh phục ước mơ của mình.
Tiếp tục hành trình ấy, thầy giáo Đào Thanh Hương quyết định thi vào khoa Sư phạm Ngữ văn của Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (nay là trường Đại học Hồng Đức) với ước mơ được trở thành thầy giáo cho trẻ nghèo trên mảnh đất quê hương.
Tưởng chừng con đường học hành được "hanh thông" với số điểm trúng tuyển khá cao nhưng ngày nhập học, thí sinh này lại bị nhà trường từ chối.
Không chấp nhận ước mơ bị đứt gãy giữa đường, chàng trai 18 tuổi ấy đã viết tâm thư gửi hiệu trưởng, trình bày mong muốn được đi học và cam kết chỉ học hai năm đầu đại cương ở trường, sau đó sẽ xin liên hệ học tập nơi khác.
Hơn một tuần thấp thỏm đợi phản hồi từ phía nhà trường, cuối cùng thầy giáo Đào Thanh Hương cũng vỡ òa hạnh phúc khi nhà trường thông báo lịch nhập học.
Qua 2 năm học đại cương, nhờ thành tích học tập xuất sắc, nhà trường đã đồng ý cho học viên đặc biệt Đào Thanh Hương hoàn thành chương trình học. Từ đây, giấc mơ trở thành thầy giáo của chàng trai làng biển xứ Thanh đã đến rất gần.
Tấm gương giàu nghị lực vươn lên trong công việc, cuộc sống
Năm 1998, thầy giáo trẻ Đào Thanh Hương được điều động công tác về Trường THCS Đa Lộc dạy học. Những ngày đầu lên lớp, thầy gặp không ít sự hoài nghi từ phía phụ huynh và học trò nhưng bằng tình yêu nghề lớn lao, thầy đã truyền dạy kiến thức cho học trò một cách hăng say. Thầy cũng luôn cổ vũ, khích lệ, tạo điều kiện để các em vượt qua khó khăn cùng nỗi sợ hãi vô hình của bản thân.
Hơn 25 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Đào Thanh Hương liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở với nhiều sáng kiến, đề tài hay. Thầy cũng nhiều lần vinh dự nhận được Giấy chứng nhận Chiến sĩ thi đua của Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc.
Thầy Đào Thanh Hương chia sẻ: "Là nạn nhân chất độc da cam ngay từ trong bụng mẹ, sinh ra đã bị mất 2 chân và bàn tay trái, tôi đã luôn lấy phương châm "tàn nhưng không phế" của Bác Hồ làm định hướng hành động. Tôi nỗ lực không ngừng, vượt qua số phận để từng bước hoàn thành mục tiêu của bản thân, hoàn thành các nhiệm vụ của người Đảng viên, giáo viên"
Để nói về ước mơ của mình, thầy giáo khiếm khuyết giàu nghị lực ấy không ngần ngại thổ lộ, chỉ mong ở nơi đất biển gian khó Đa Lộc tất cả phụ huynh đều chăm lo cho con em được tới trường, học con chữ để giúp quê hương mai sau bớt khó khăn.
Người thầy ấy cũng hy vọng nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền, các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ xây cơ sở vật chất tại trường để đáp ứng tiêu chí của nền giáo dục mới.
Thầy Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc cho hay, có lẽ khó khăn đối với thầy Hương trong quá trình công tác là khả năng sử dụng công nghệ nhưng không vì thế mà không hoàn thành nhiệm vụ, ỷ lại, trông chờ người khác giúp đỡ.
Thầy Hương có chuyên môn tốt, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, luôn tham gia mọi phong trào của nhà trường được phụ huynh, học sinh ghi nhận. Thầy Đào Thanh Hương là tấm gương giàu nghị lực vươn lên trong công việc, cuộc sống.
Câu chuyện tình yêu nhận được nhiều sự ngưỡng mộ, kết trái bằng một mái ấm nhỏ hạnh phúc
Trước những khiếm khuyết của cơ thể, câu chuyện tình yêu của thầy Hương luôn được thầy cô giáo trong trường nhắc đến với sự ngưỡng mộ. Bằng một sự đồng cảm, đồng điệu, tin tưởng, cô giáo Trần Thị Hương (cùng trường THCS Đa Lộc) đã chấp nhận lấy người đàn ông khiếm khuyết làm chồng mặc sự phản đối của gia đình.
"Vượt qua sự phản đối của bố mẹ cô ấy, chúng tôi đã tự tổ chức đám cưới. Mãi cho tới 2 - 3 năm sau, ông bà mới chấp nhận quyết định của con gái. Giờ đây, khi đã có con tôi mới thực sự thấu hiểu cảm giác khi đó của người làm cha, làm mẹ rằng chỉ mong con cái tìm được bến đỗ tốt nhất", thầy giáo Đào Thanh Hương tâm tư.
Năm 2005, hai người tổ chức đám cưới, cuối năm đó họ hồi hộp đón đứa con đầu lòng. Nhiều đêm không ngủ, sợ con sinh ra sẽ bị di chứng chất độc da cam, vợ chồng thầy Đào Thanh Hương liên tục đi siêu âm nhiều lần. Chỉ đến khi, cậu con trai lành lặn ra đời, cả hai mới thở phào. Sau đó, hai người lại đón tiếp niềm vui khi đón cậu con trai thứ hai bụ bẫm, khỏe mạnh không kém gì anh trai.
Dâng lên cảm xúc nghẹn lòng, người đàn ông có mái tóc "muối tiêu" không ngần ngại chia sẻ, nhiều khi cảm thấy chạnh lòng vì không thể như người chồng khác chở vợ đi chơi bằng xe máy, không giúp được vợ những việc nặng nhọc.
Trái ngược với cảm xúc ấy, cô Trần Thị Hương lại cảm thấy đầy tự hào khi nhắc đến người bạn đời của mình. "Mỗi khi nhắc đến chồng, tôi chỉ cảm thấy một niềm tự hào rất lớn. Tôi cảm thấy quyết định của mình khi ấy thật chính xác!", vợ thầy Đào Thanh Hương vui vẻ trả lời.
Có lẽ, giai đoạn cơ hàn nhất của cuộc đời tạm đi qua, giờ là lúc thầy giáo Đào Thanh Hương cảm thấy hạnh phúc nhất từ trước đến nay. Người thầy ấy đã nỗ lực vượt nghịch cảnh, chinh phục ước mơ đến với nghề giáo, có một tổ ấm hạnh phúc nhiều người mơ ước và còn lập quỹ khuyến học giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.