Nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn: Đến khi nào mới thành chính sách?
Chủ trương nhân văn
Thời điểm này, năm học 2022 – 2023 sắp kết thúc, việc chuẩn bị sắm sửa sách vở dụng cụ học tập cho năm học mới 2023 – 2024 sắp đến gần. Tuy nhiên, năm nay nhiều phụ huynh đang phân vân có mua sách giáo khoa mới cho học sinh không vì đang ngóng chính sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn được truyền thông rầm rộ từ cuối năm ngoái.
Chị Lương Ngọc Quyên ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, phương tiện truyền thông từng nhắc đến chủ trương mua sách giáo khoa cho học sinh mượn. Nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chủ trương này có được phê duyệt không. “Nếu Nhà nước chi tiền mua sách giáo khoa cho học sinh mượn thì nên thông tin sớm để phụ huynh biết trước. Hơn nữa, việc học sinh mượn sách sẽ tránh tình trạng một bộ sách chỉ sử dụng một lần” - chị Lương Ngọc Quyên nếu ý kiến.
Được biết, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng từng chia sẻ, thực hiện chủ trương trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, Bộ Giáo dục & Đào tạo lựa chọn phương án trích 3.500 tỷ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học, đáp ứng 70% nhu cầu. Các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm. Ông Thưởng cho biết, Bộ đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn nghiên cứu, tính toán và đề xuất ba phương án khác nhau gồm: phương án trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, phương án mua sách cho 70% nhu cầu và phương án chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Sách giáo khoa điện tử là một giải pháp
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền (hiện là thành viên Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế International Journal of Training Research, London; thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế ( NAFSA); thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia) cho biết sách giáo khoa phải là nguồn tiếp cận miễn phí dưới dạng sách điện tử hoặc có thể sách giấy ở những vùng khó khăn hoặc ở bậc học thấp hơn khi các em chưa có thể sử dụng sách điện tử. Cần phải dần xoá bỏ sự phụ thuộc vào SGK trong hệ thống giáo dục. Thay vào đó trao quyền tự chủ nhiều hơn cho nhà trường trong việc thực thi các hoạt động giáo dục.
Sau đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã lựa chọn phương án đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học. Phương án được Bộ Giáo dục & Đào tạo thống nhất với Bộ Tài chính để trình lên Chính phủ. Trước đó, Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn.
Cũng liên quan đến sách giáo khoa, nhiều địa phương hiện nay cũng mong chờ có chính sách hỗ trợ giá sách. Theo đó, cử tri tỉnh Bình Định vừa kiến nghị với Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, kiểm tra và thực hiện giải pháp giảm giá sách giáo khoa. Đồng thời, cử tri tỉnh này cho rằng cần có chính sách hỗ trợ giá sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và hỗ trợ kinh phí cho các trường phổ thông mua sách trang bị đầy đủ vào thư viện để học sinh học tập và tham khảo.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục & Đào tạo đã thống kê số lượng học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo của TP.HCM là 11.146 và giá bình quân một bộ sách giáo khoa vào khoảng 200.000 đồng. Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ chi ngân sách hơn 2,2 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo nêu rõ phương án trên nhằm thực hiện thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận tại cuộc họp với UBND TP. Hồ Chí Minh về lĩnh vực khoa giáo, văn xã trên địa bàn. Cuộc họp đề cập nội dung chủ động xây dựng phương án sử dụng ngân sách thành phố để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn sử dụng.
Cần sớm thực hiện
Bàn về chủ trương mua sách cho học sinh, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến Việt Nam cho rằng, đây là chủ trương đúng và rất nhân văn. Trên thế giới nhiều nước đã áp dụng vì thế Việt Nam cũng nên triển khai. “Nhiều quốc gia trên thế giới họ đã làm việc này từ lâu. Học sinh đi học không cần phải mua sách giáo khoa, thậm chí không cần mang sách giáo khoa về nhà” – Giáo sư Phạm Tất Dong nêu.
Vị này cũng cho rằng, sách giáo khoa hiện nay là tài liệu tham khảo để giáo viên và học sinh sử dụng trong học tập. Vì thế, không đòi hỏi việc bắt buộc giáo viên phải dạy trong sách. Nhưng nhà trường cần có nhiều bộ sách giáo khoa để giáo viên và học sinh tham khảo. Tuy nhiên, điều mà Giáo sư Phạm Tất Dong băn khoăn nhất khi triển khai mua đại trà thì cần thiết phải lựa chọn bộ sách giáo khoa nào tốt nhất, phù hợp nhất với giáo viên, học sinh. “Tôi cho rằng chính sách này cần sớm được quyết định vì nó rất nhân văn và phù hợp với xu hướng quốc tế” – ông Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đều cho rằng cần thiết có chính sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn. Theo đó, chuyên gia Nguyễn Văn Cường (từng làm việc tại Đại học Potsdam, CHLB Đức, nay là chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập) cho rằng, kinh nghiệm từ nước Đức, tại Berlin, chính quyền quy định học sinh tiểu học (lớp 1-6) được mượn sách giáo khoa miễn phí. Từ lớp 7 phụ huynh phải mua một phần sách giáo khoa nhưng không quá 100 Euro cho một học sinh trong 1 năm học theo danh mục hướng dẫn của nhà trường. Những cuốn sách giáo khoa khác nếu cần sẽ được nhà trường cho mượn miễn phí.
Khi nắm được thông tin Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo đang có kế hoạch tiến hành việc mua sắm, cung cấp sách giáo khoa cho các thư viện nhà trường để học sinh được mượn sách, tránh tình trạng sách giáo khoa sử dụng một lần gây lãng phí vị chuyên gia này đã rất tán đồng.
Ông Ngô Trần Ái (Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản giáo dục) cũng cho rằng, Chính phủ chi ngân sách nhà nước cho thư viện trường học mua sách giáo khoa (kể cả sách đã qua sử dụng) để học sinh mượn. Như vậy, học sinh không phải mua sách. Hằng năm, các nhà xuất bản cũng không cần in lại sách, trừ một số lượng nhỏ đáp ứng yêu cầu của những gia đình có nhu cầu mua sách riêng cho con. Đây là kế sách căn bản, lâu dài, để hằng năm không còn tiếng kêu về giá sách giáo khoa.
Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy việc trang bị sách giáo khoa miễn phí cho học sinh là chủ trương nhân văn, nhiều nước đã áp dụng. Đề xuất của Bộ Giáo dục & Đào tạo là phù hợp, cần thiết sớm ban hành để tránh tình trạng sử dụng lãng phí sách giáo khoa như nhiều năm qua.