Nhận diện để đối mặt
Cùng với UOB, nhiều định chế tài chính quốc tế khác cũng đưa ra những dự báo khả quan về tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam. Đại diện Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu (Công ty Quản lý Quỹ VinaCapita) cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay ở mức trên dưới 8% là điều thấy rõ. Mức tăng trưởng ấy càng ấn tượng khi lạm phát Việt Nam hiện đang thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới cũng như trong khu vực.
Nhiều chuyên gia tài chính quốc tế nhận xét, hoạt động sản xuất, dịch vụ của Việt Nam đã trở lại bình thường như trước dịch Covid-19. Đáng chú ý, xuất khẩu bứt tốc với mức tăng trưởng trên 17%, đem lại thặng dự thương mại hơn 6,5 tỷ USD cho Việt Nam chỉ trong 9 tháng, cao hơn tới 35% so với thặng dư thương mại của cả năm 2021. Đây chính là điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu.
Vậy, quy mô GDP Việt Nam năm 2022 đạt bao nhiêu tỷ USD?
Theo Báo cáo Dự báo triển vọng toàn cầu quý 4/2022 của nhóm nghiên cứu Ngân hàng UOB, với mức dự báo tăng trưởng 8,2% thì quy mô GDP Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 398 tỷ USD (GDP Việt Nam năm 2021 đạt 368 tỷ USD). Trong khi đó, Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình dương tháng 10/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), với dự báo tăng trưởng 7,2% thì GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 394,5 tỷ USD. Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì nếu tăng trưởng 6,5% GDP Việt Nam năm 2022 sẽ đạt khoảng 391,92 tỷ USD.
Như vậy, cho dù các dự báo có khác nhau nhưng các định chế tài chính quốc tế đều cho rằng quy mô GDP của Việt Nam năm 2022 là khá cao. Điều đó càng ý nghĩa khi lạm phát được kiềm chế (dự báo dưới 4%) và trong bối cảnh đầy thách thức trước ngưỡng suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo, nhận xét tích cực về kinh tế Việt Nam năm nay, thì các chuyên gia tài chính cũng đưa ra những khuyến cáo. Theo nhóm nghiên cứu UOB, khi chính sách thắt chặt tiền tệ gay gắt từ các ngân hàng trung ương sẽ đè nặng lên Mỹ và châu Âu - hai thị trường chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu từ hai thị trường này sẽ sụt giảm, điều đó sẽ tác động lớn tới kinh tế Việt Nam khi mà xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng GDP.
Trong bối cảnh ấy, tiền đồng Việt Nam (VND) sẽ phải có cách ứng phó linh hoạt, đặc biệt khi USD tăng giá cao so với các đồng ngoại tệ khác. Nhiều đồng tiền mạnh cũng đã phải giảm tỷ suất hối đoái, trong đó đáng kể nhất là đồng Euro và đồng Bảng Anh. Mới đây nhất, ngày 11/10, Ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết, đồng Bath Thái đã xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm, so với USD. Độ mở của nền kinh tế rộng, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu thì VND khó tránh khỏi sự suy yếu chung của các đồng tiền khác so với USD. Theo UOB, dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 24.000 trong quý 4/2022; 24.100 trong quý 1/2023, 24.200 trong quý 2 và 24.300 trong quý 3/2023.
Thời gian đang trôi dần về cuối năm, đây chính là giai đoạn nước rút để về đích. Còn nhớ, sáng 1/10, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho biết, các tổ chức quốc tế đều chung nhận xét Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023 (Moody’s, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%). Tuy vậy, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, sức ép lạm phát ở trong nước vẫn còn tiềm ẩn, gây nguy cơ bất ổn vĩ mô. Thủ tướng nhấn mạnh, giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Cùng đó, USD tăng giá làm giảm giá đồng tiền ở nhiều nước, do đó phải đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước...
Vững niềm tin vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước năm 2022, nhưng cũng cần bình tĩnh nhận diện, lường trước khó khăn, không chủ quan, nỗ lực cao hơn nữa thì chúng ta mới có thể bước những bước chắc khỏe về phía trước.