Nhận diện rào cản trong tiêu thụ sản phẩm OCOP
Sản lượng không lớn
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định, hiện nay, đa số các địa phương đã nâng tầm sản phẩm OCOP lên thành quà tặng của địa phương, qua đó chương trình OCOP không chỉ dừng lại ở một chương trình phát triển kinh tế nông thôn để tạo thêm việc làm, bảo tồn giá trị văn hóa mà thực sự nó đã trở thành những sản phẩm “đại sứ” của địa phương.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng. Không chỉ ở thị trường trong nước, hiện nay Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cũng đã tổ chức những chương trình xúc tiến và xây dựng những gian hàng tại nước ngoài, như mới đây nhất, lần đầu tiên đã có một gian hàng chuyên về OCOP tại Milan (Italia) nhân dịp quốc gia này tổ chức hội chợ thủ công mỹ nghệ lớn nhất Italia.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, cũng có những điểm tồn tại đối với sản phẩm OCOP. “Đó là vấn đề quy mô. Chúng tôi không nói đó là điểm yếu hay hạn chế, vì đây là đặc trưng của sản phẩm OCOP. Do bị hạn chế về số lượng, chúng ta không thể mở rộng được. Ví dụ, với sản phẩm trà shan tuyết, thì cả huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) chỉ có 218 cây trà shan tuyết, chúng ta có muốn tăng nữa thì cũng không tăng được” - ông Tiến phân tích.
Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart, sản phẩm OCOP vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu sản phẩm với khoảng 8.000 sản phẩm (không tính các sản phẩm tươi sống hoặc hải sản đông lạnh). Nhưng tiêu thụ sản phẩm này ngoài những thuận lợi về chất lượng, nguồn gốc thì cũng gặp vấn đề khó khăn về số lượng, do đa phần sản phẩm OCOP đều sản xuất nhỏ, lẻ. Do đó, khi nhu cầu của người tiêu dùng cao lên thì lại không đủ hàng cung cấp, mặc dù là B2C (bán lẻ).
Đáng chú ý, ông Thế Anh cho chia sẻ, hiện Bưu điện Việt Nam đang hợp tác với Bưu chính Trung Quốc triển khai một số hoạt động liên quan đến đưa nông sản Việt Nam sang nước bạn bán. “Tuy nhiên, vẫn có một số rào cản. Ví dụ, khi tôi giới thiệu một sản phẩm nông sản thì câu đầu tiên đối tác thường hỏi là “có bao nhiêu” và tôi không dám trả lời. Bởi nếu mà sản phẩm mới được chấp nhận và chúng ta không có hàng để bán thì sẽ gây khó khăn hơn cho các sản phẩm khác” - ông Thế Anh kể lại.
Khó cạnh tranh nếu không có “vị trí thu hút”
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, ở các hệ thống phân phối truyền thống, rất khó để sản phẩm OCOP có thể cạnh tranh với những sản phẩm quy mô lớn vì hiện nay sản phẩm được đặt rải rác ở các kệ hàng, giá hàng. Bên cạnh đó, chủ thể của OCOP là hợp tác xã, là doanh nghiệp nhỏ, thường không thể đủ năng lực để làm những sự kiện quảng bá sản phẩm. Chưa kể, do chiết khấu tại các hệ thống phân phối lớn thường không cao nên các sản phẩm OCOP có quy mô nhỏ, chưa cao cấp, thường bị đặt ở phía dưới cùng hoặc là trên cao tít, không thu hút được người dùng.
Do đó, “cần phải có những cơ chế chính sách nào đó để có những khu vực riêng cho sản phẩm OCOP. Ở các quốc gia châu Âu hay Hoa Kỳ chẳng hạn, kể cả tại các hệ thống siêu thị lớn hàng đầu thế giới như Walmart, Carrefour… đều có những khu dành cho sản phẩm bản địa. Nghĩa là khu đó tạo ra được những giá trị riêng so với nhóm phân phối thương mại” - ông Tiến nói và mong muốn hệ thống phân phối thường xuyên có những sự kiện, có những khu trưng bày riêng về sản phẩm OCOP để thực sự biến nó thành một khu trải nghiệm thu hút thêm người mua đến, gắn với biểu diễn văn hóa, gắn với trình diễn của các nghệ nhân, của các chủ thể OCOP.
Ông Nguyễn Anh Phương - Trưởng Điều hành Vùng miền Bắc (Công ty MM Mega Market) thông tin, ở hệ thống phân phối MM Mega Market, khách hàng, kể cả khách hàng B2C và khách hàng khối chuyên nghiệp ngày càng quan tâm đến sản phẩm OCOP. Hiện MM Mega Market có 2 trang TMĐT dành cho 2 loại hình đối tác riêng biệt để giới thiệu sản phẩm. Trong đó, MM Mega Market kỳ vọng trang TMĐT MM Pro có thể giới thiệu được các sản phẩm OCOP tới hơn 30.000 khách hàng khối chuyên nghiệp, đặc biệt là khối khách sạn, nhà hàng, cũng như khối khách hàng căng-tin.
“Thông qua những nhu cầu mà khách hàng thể hiện gần đây thì chúng tôi khẳng định rằng là nhu cầu của tất cả các khách hàng, kể cả B2C và B2B (bán buôn) đối với các sản phẩm OCOP là tăng và sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới” - ông Phương nói.
Trước xu hướng gia tăng nhu cầu với sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, từ việc hạn chế về mặt số lượng, quy mô không thể tăng nhanh chóng, của sản phẩm OCOP, cần phải chọn cách đi và cách tiếp cận cho phù hợp, để định hướng đến đích cuối cùng là sản phẩm bán được và phải thực sự tạo ra giá trị, kể cả giá trị tinh thần và giá trị sử dụng, đáp ứng được nhu cầu thị trường.