Nhận diện rõ giá trị của di sản, phục hưng lễ hội
Khôi phục không gian văn hóa
Trao đổi về bảo tồn và khai thác các giá trị của Di sản Hoàng thành Thăng Long, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam nhấn mạnh Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới. Tổng thể di sản Kinh đô Thăng Long có giá trị vô cùng to lớn như GS Phan Huy Lê từng đánh giá: “Tầng tầng lớp lớp di tích, di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội phản chiếu trình độ văn hoá lớn nhất của đất nước”.
Hay như GS.Yamanaka (Đại học Mie, Nhật Bản) đánh giá “Di tích này có giá trị xứng đáng là Di sản văn hoá Thế giới. Và để hiểu biết lịch sử nhân loại, di tích này là không thể thiếu được”.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Trước những giá trị, PGS.TS Tống Trung Tín nêu một số kiến nghị để bảo tồn và phát huy, khai thác được giá trị quý giá của Hoàng thành Thăng Long đưa lên thành “thánh đường văn hóa của Việt Nam”. Theo đó, cần tiến đến khôi phục không gian văn hóa của Điện Kính thiên, đây cũng là việc đang được thành phố Hà Nội quan tâm triển khai.
Tiếp theo là bảo tồn tại chỗ khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, minh chứng của một trung tâm chính trị trong suốt thời gian dài. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long; nghiên cứu và phát huy các gía trị văn hoá phi vật thể của Hoàng Thành hăng Long (nghi thức thiết lễ Đại Triều, hội đèn Ánh sáng Thăng Long. Khôi phục các hình thức, lễ hội hoặc trò chơi khác như Hội thề, thi Đình, nghi thức tế lễ đầu Xuân, đá cầu, bơi chải. Gắn kết việc phát huy với các di tích trọng điểm khác.
“Đồng thời nên xây dựng bảo tàng hoàng cung, tất cả di sản thế giới đều có bảo tàng này. Chúng ta đang có hàng triệu di vật quý và nhiều bảo vật cuộc gia, chỉ cần sắp đặt chưa cần chưa cần đưa công nghệ vào đã vô cùng hấp dẫn rồi”, PGS.TS Tống Trung Tín nói.
Tiếp thu các ý kiến của PGS.TS Tống Trung Tín, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ: “Các kiến nghị của PGS.TS Tống Trung Tín, thành phố Hà Nội đều đang triển khai và nhận được sự đồng tình ủng hộ của UNESCO Việt Nam”.
Huyện Mê Linh khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2023.
Cũng tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long đồng tình với ý kiến của PGS.TS Tống Trung Tín.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cho hay, với định hướng nghiên cứu phù hợp, một mặt chúng ta phải giữ gìn, bảo quản tốt được các dấu tích kiến trúc cung điện các thời kỳ, mặt khác chúng ta phát huy được các giá trị ngàn đời của nó phục vụ cho cuộc sống hôm nay..
Đồng thời, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam cũng làm rõ thêm một số vấn đề. Theo TS Nguyễn Văn Sơn, trong 30 năm qua, đáng tiếc là có hơn 2 vạn m2 hiện vật ở 18 Hoàng Diệu chưa được công nhận. Việc này cần phải đẩy nhanh thực hiện bàn giao, có hiện vật để tiến hành trưng bày.
Cũng tại hội thảo này, vấn đề phát huy giá trị di sản Cổ Loa được đặt ra. Các chuyên gia đều nhất trí rằng, Cổ Loa với những giá trị phi vật thể, lễ hội, diễn xướng cần phải được quan tâm phục dựng, từ đó phát huy các giá trị văn hóa của tiền nhân đã gây dựng.
Nhận diện rõ bản sắc riêng của từng lễ hội
Lấy phục hưng lễ hội truyền thống làm chủ đề phát biểu, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, Hà Nội hiện nay có trọn vẹn văn hóa xứ Đoài. Là một trong những địa phương có lễ hội nhiều nhất và sự đa dạng cũng lớn nhất Việt Nam.
GS. TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đưa ra kiến nghị tại Hội thảo.
Sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lễ hội đã có sự phát triển mạnh. Sự trở lại của các hoạt động văn hoá không chỉ tạo nên sự phấn khởi, vui tươi của người dân, mà còn là sự phát triển của văn hoá trong một bối cảnh mới trên mọi lĩnh vực, trong số đó là lễ hội truyền thống, nơi chứa đựng không chỉ những di sản văn hoá đa dạng, phong phú của cha ông, mà còn luôn luôn thể hiện sự sáng tạo và phục hưng văn hoá của người dân các địa phương.
Chẳng hạn như gần đây nhất (năm 2022), những di sản văn hoá phi vật thể của Hà Nội, trong đó là lễ hội truyền thống như rối nước Đào Thục, di sản Mo Mường, lễ hội Cổ Loa, mà lễ đón nhận vừa diễn ra tối mùng 5 Tết Quý Mão cùng một số di sản văn hoá phi vật thể khác được công nhận. Tất cả những điều đó như một động lực thúc đẩy sự phục hưng của lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội. Nhiều địa phương cũng đang rục rịch khôi phục lại tổ chức lễ hội dần mai một.
Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, điều quan trọng nhất để việc phục hưng lễ hội là cần phải nhận diện được nhiều mặt. Trong đó, quan tâm nhất là nhận diện những gì đặc trưng, đặc thù của lễ hội của khu vực đó. Nhận diện để mô tả lại lễ hội, tìm ra câu trả lời cái gì có thể phát huy được và có thể mang giá trị về mặt kinh tế, xã hội. Muốn nhận diện được thì phải tham vấn ý kiến của những người làm nghiên cứu chuyên sâu. Tiếp đó là phải có sự kết hợp với tư nhân để tổ chức lễ hội để thu hút người dân khách du lịch.
Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, việc phục hưng lễ hội phải làm sao để cho văn hóa Hà Nội phát triển. Do vậy, phục hồi lễ hội việc căn cốt là tạo ra bản sắc riêng, cắt lớp văn hóa truyền thống, chất liệu khai thác toàn diện sẽ góp phần thúc đẩy du lịch làng nghề, di tích. Từ đó đưa lễ hội vào đời sống tự nhiên, hiệu quả, mang hơi thở cuộc sống mới, thể hiện hà nội văn minh hiện đại và rất đặc trưng.