Nhân tố mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương Kỳ 2: Ngăn chặn từ sớm các hành vi tham nhũng, tiêu cực
Thế trận toàn dân, toàn diện, trực tiếp
Theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), phương châm “phòng” vẫn là chính. Cho nên việc thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh không chỉ là để giải quyết những sự việc, sự vụ, mà lâu dài, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có tác động rất lớn đối với công tác phòng ngừa tham nhũng.
Khâu “phòng” mới là quan trọng và “phòng” ở đây sẽ thông qua công tác chỉ đạo, điều hành, qua công tác cán bộ, qua việc kiểm tra, giám sát, đặc biệt là vai trò nêu gương. Chúng ta có một bộ máy trong sạch tại địa phương, trước hết là ở tỉnh rồi đến huyện, đến xã sẽ giúp công tác phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Khi đó, phương châm “4 không”: “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng sẽ “ăn” vào tiềm thức, văn hóa, vào hoạt động hàng ngày của địa phương, của bộ máy.
“Tôi cho rằng, đến lúc nào đó, số lượng vụ án, vụ việc bị xử lý sẽ giảm đi. Bởi vì chúng ta đã xử lý nghiêm và thực hiện được “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng; công tác PCTN,TC sẽ đi được vào đúng bản chất... Nếu chúng ta có một bộ máy trong sạch, liêm chính và hệ thống pháp luật đầy đủ, làm tốt công tác “phòng” thì sẽ tác động ngay đến hiệu quả chiến lược”, ông An nói.
Một vấn đề nữa có thể nhìn thấy rõ là khi thành lập được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, công tác PCTNTC đi vào thực chất hơn. Sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp địa phương có tính trực tiếp, toàn diện và có thể nói là hiệu quả tức thì. Phân tích lý do, ông Trịnh Xuân An cho rằng, hơn ai hết, các địa phương sẽ nắm rõ được tình hình, thực trạng, biết rõ được diễn biến thực tế công tác PCTN,TC tại địa phương mình; nắm rõ được các vấn đề nảy sinh, những vấn đề cần phải xử lý. Địa phương phải biết xử lý vụ việc nào trước, việc nào sau, người nào trước, người nào sau và xử lý như thế nào để thấu tình, đạt lý và bảo đảm tính nhân văn. Như vậy, chỉ có ở địa phương, cơ sở mới tường tận được tình hình.
Trong khi đó, PCTN,TC không chỉ là câu chuyện của vĩ mô, câu chuyện của đường hướng mà phải đi vào những nội dung rất cụ thể, phải kết hợp được giữa chính sách vĩ mô, giữa chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với việc trực tiếp, toàn diện và sát sao của địa phương. “Như vậy sẽ tạo thành thế trận PCTN,TC toàn dân, toàn diện, trực tiếp và đặc biệt là sự sáng tạo, vì mỗi địa phương có điều kiện đặc thù, tính chất, đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau cho nên cần phải có sự sáng tạo trong PCTN,TC. Tất nhiên về mặt nền tảng, chính sách chúng ta phải đi theo một chủ trương chung” - vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết.
Hoạt động phải ngang tầm nhiệm vụ
Thảo luận tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tổ chức ngày 19/6/2023, lãnh đạo một số địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tế trong công tác đấu tranh PCTN,TC tại cơ sở. Nhưng tựu trung, bài học mấu chốt có tính quyết định vẫn là đề cao kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của từng thành viên Ban Chỉ đạo. Bởi, theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, khi vụ việc đã đưa vào Ban Chỉ đạo theo dõi thì không thể tác động và đều phải xử lý nghiêm minh, khách quan theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đối với Thanh Hóa (là một trong 3 địa phương thành lập sớm nhất Ban Chỉ đạo cấp tỉnh), Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Đỗ Trọng Hưng cho biết, một trong nhiều bài học kinh nghiệm được địa phương rút ra là phải xây dựng Ban Chỉ đạo là một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, hoạt động khoa học, thực chất… Trong chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực phải sâu sát, quyết liệt, đúng chức năng, nhiệm vụ, không làm thay việc của các cơ quan chức năng và cũng không buông lỏng sự lãnh đạo.
Phân tích những yếu tố đóng vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong hơn 1 năm qua, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay, kết quả đó trước hết là nhờ chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh của Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Thứ hai là nhân sự của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh luôn luôn được củng cố, tăng cường; nơi nào còn có những yếu kém, nhân sự nào chưa xứng đáng đã được xử lý kịp thời. Nguyên nhân thứ ba là Ban Chỉ đạo Trung ương thường xuyên theo dõi, giám sát, chỉ đạo. “Cách làm từ trên xuống dưới như vậy bảo đảm kết quả tốt. Tất nhiên còn phải kể đến nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Bí thư các tỉnh, thành phố trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì dứt khoát phải làm tốt, không làm tốt cũng không được. Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, uốn nắn thường xuyên, chỗ nào phát hiện thấy “trục trặc” thì sửa ngay”, ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh.
Đặc biệt, khi nhận ra sự bất cập trong vấn đề nhân sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tổ chức đảng tại địa phương đó cũng chủ động thay thế, kiện toàn, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chẳng hạn, trước những sai phạm của ông Trần Hồng Quảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh (đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo tại Kỳ họp thứ 13), ngày 18/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành quyết định để kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh. Theo đó, danh sách thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh của tỉnh Ninh Bình tại quyết định mới không có ông Trần Hồng Quảng như tại quyết định trước đó.
Ông Ngô Văn Sửu đánh giá, cuộc đấu tranh PCTN,TC rất lâu dài, phức tạp và rộng lớn, không chỉ ở một lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do đó, thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh vẫn phải tiếp tục củng cố để làm sao phát hiện kịp thời tình hình tham nhũng ở địa phương... Bên cạnh đó, trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng phức tạp, cần tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hệ thống pháp luật để giải quyết được những vấn đề phức tạp phát sinh.
“Những vụ tham nhũng bây giờ ghê lắm... Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải xem xét, rà soát tình hình ở địa phương mình. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều dự án lớn, có những dự án hàng trăm tỷ, ngàn tỷ đồng; đặc biệt là những dự án bị chậm tiến độ hàng chục năm nhưng không xử lý được thì địa phương phải theo dõi sát những vấn đề này để ngăn chặn tiêu cực, phát hiện xem vướng mắc ở đâu, chỗ nào luật pháp chưa hoàn thiện thì kiến nghị Trung ương sửa đổi, nếu quy định của luật pháp đã có thì phải tìm biện pháp xử lý” - ông Ngô Văn Sửu nói.
Có thể nói, sau hơn 1 năm được thành lập, dù còn nhiều vấn đề phải tiếp tục khắc phục, nhưng hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Những kết quả ấy bước đầu khẳng định chủ trương giao “lò” xuống cấp tỉnh cũng như đặt người đứng đầu địa phương vào vai trò “đốt lò” là phù hợp với thực tiễn. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng khẳng định bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo PCTN,TC của chúng ta được hoàn thiện thêm một bước mà còn khẳng định chủ trương của Đảng về thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là rất đúng đắn, cần thiết, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí từ Trung ương đến cơ sở theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.
“Cuộc đấu tranh PCTN,TC rất lâu dài, phức tạp và rất rộng lớn, không chỉ ở một lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do đó, thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh vẫn phải tiếp tục củng cố để làm sao phát hiện kịp thời tình hình tham nhũng ở địa phương... Bên cạnh đó, trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng phức tạp, cần tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hệ thống pháp luật để giải quyết được những vấn đề phức tạp phát sinh.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua và quyết tâm của Đảng ta, trong đó có việc thành lập và hoạt động tích cực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tôi tin rằng công tác đấu tranh PCTN,TC trong thời gian tới sẽ có những bước chuyển biến đột phá”. (Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương)