Nhiều bất thường trong công tác đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình?
Các cơ quan chức năng đang liên tục vào cuộc điều tra, khởi tố những vụ việc tiêu cực trong công tác đấu thầu, đặc biệt là vấn đề nâng khống giá để trục lợi trong mua sắm thiết bị y tế, giáo dục.
Mới đây, Pháp luật Plus có nhận được phản ánh về việc nhiều dấu hiệu bất thường trong công tác đấu thầu tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Cụ thể, tại gói thầu “Mua sắm máy xét nghiệm sinh hóa tự động và máy miễn dịch tự động (gói thầu số 02)”, thuộc dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Liên quan đến gói thầu này, ngày 5/8/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn đã ký quyết định số 1649/QĐ-UBND Phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, tổng dự toán: 9.984.140.000 đồng, trong đó chi phí thẩm định giá: 20.461.000 đồng; chi phí tư vấn lập cấu hình dự toán trang thiết bị 79.468.000 đồng; chi phí tư vấn lập Hồ sơ mời thầu, đánh giá Hồ sơ dự thầu: 35.841.000 đồng; chi phí mua sắm thiết bị y tế: 9.765.945.000 đồng và chi phí giám sát lắp đặt: 82.425.000 đồng.
Chi phí trên đã bao gồm thuế, chi phí vận chuyển, lắp đặt, bàn giao, bảo hành tại đơn vị và các chi phí khác liên quan. Nguồn kinh phí theo Quyết định số 3126/QĐ-UBND ngày 11/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1774/QĐ-UBND ngày 05/8/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành danh mục, tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng lĩnh vực Y tế giai đoạn 2020-2022 thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hòa Bình và Quyết định số 1271/QĐ-UBND ngày 21/6/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Ngày 22/09/2021, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hoàng Diệu đã ký Quyết định số 1089/QĐ-BVĐKT phê duyệt kết quả lựa chọn gói thầu “Mua sắm máy xét nghiệm sinh hóa tự động và máy miễn dịch tự động (gói thầu số 02)”.
Theo Quyết định này, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Đầu tư và Phát triển thiết bị y tế (có địa chỉ tại số 63 phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, Cầu Giấy).
Danh mục mua sắm thiết bị y tế trong gói thầu này gồm có: “Máy xét nghiệm sinh hóa tự động Atellica CH 930”, xuất xứ: Siemens Healthcare Diagnostics Inc./ Mỹ đơn giá trúng thầu 5.234.000.000 đồng và “Máy xét nghiệm miễn dịch tự động Atellica IM 1300”, xuất xứ: Siemens Healthcare Diagnostics Inc./ Mỹ, có đơn giá trúng thầu 4.530.000.000 đồng.
Tuy nhiên, theo tờ khai hải quan số 103751506720 và số 103751506720 ngày 30/12/2020, Công Ty Cổ phần Đầu Tư Và Phát Triển Thiết Bị Y Tế (Số 63 phố Đỗ Quang, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) đã nhập khẩu hai loại hàng hóa trên từ Singapore qua Chi cục HQ CK Sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo khai báo, “Hệ thống xét nghiệm miễn dịch tự động, chủng loại: Atellica IM Analyzer (Atellica IM 1300), Serial number: IM01607, msp: 11066001, hãng sx: SIEMENS HEALTHCARE DIAGNOSTICS INC.,USA, mới 100%” có giá 125.000 USD (tương đương khoảng 2.880.000.000), tổng tiền thuế phải nộp là 349.056.000 đồng.
Ngoài ra, “Hệ thống xét nghiệm sinh hóa tự động, chủng loại: Atellica CH Analyzer (Atellica CH 930), Serial number: CM02388, msp: 11067000, hãng sx:SIEMENS HEALTHCARE DIAGNOSTICS INC.,USA, mới 100%”, có giá trị hóa đơn là 94.000 USD (tương đương 2.165.760.000), tổng tiền thuế phải nộp là 349.056.000 đồng.
Như vậy, giá trúng thầu mỗi sản phẩm đã chênh lệch lên đến tiền tỷ, thậm chí như riêng Máy xét nghiệm sinh hóa tự động Atellica CH 930 đã có giá chênh trên 100% so với giá nhập khẩu, khoảng gần 3 tỷ?
Liên quan đến nghi vấn trên, đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khẳng định việc triển khai gói thầu Mua sắm máy xét nghiệm sinh hóa tự động và máy miễn dịch tự động (gói thầu số 02) tại bệnh viện được thực hiện đảm bảo đúng các quy định của nhà nước về đấu thầu.
Liệu có dấu hiệu nâng khống giá thiết bị để trục lợi từ ngân sách Nhà nước hay không? Những đơn vị có liên quan tổ chức đấu thầu căn cứ vào đâu để lập dự toán cho gói thầu trên? Điều này cần các cơ quan Thanh tra, điều tra như Công an tỉnh Hòa Bình, Sở Kế hoạch và đầu tư, Thanh tra tỉnh Hòa Bình vào cuộc làm rõ.
Cuối tháng 12/2021, Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đầu tiên là ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương. Theo điều tra, Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến thỏa thuận và thống nhất về việc Công ty Việt Á sẽ chi tiền “lại quả” cho Phạm Duy Tuyến theo Hợp đồng Công ty Việt Á được CDC Hải Dương ký kết và thanh quyết toán. Để có tiền trích % cho Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá đầu vào chi phí sản xuất sản phẩm vật tư, thiết bị của công ty nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, giúp sản phẩm được tiêu thụ nhiều và lợi nhuận lớn.
Công an tỉnh Nam Định vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nam Định, trong đó có ông Đỗ Đức Lưu, Giám đốc CDC Nam Định.
Trước đó, trả lời trên báo chí khi vụ án được khởi tố, ông Đỗ Đức Lưu từng khẳng định không nhận một đồng "hoa hồng" nào trong cả 4 hợp đồng ký kết với Công ty Việt Á liên quan mua bộ kit xét nghiệm.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết công an đã bắt hết nhóm nâng giá máy xét nghiệm mà cử tri phản ảnh và nói các cán bộ này "ăn quá dày", máy có giá 2 tỉ đồng mà kê tới 6 - 7 tỉ đồng.
"Tội này không có giảm nhẹ mà chỉ tăng nặng. Ảnh hưởng tới sức khỏe của dân, đời sống của dân mà lợi dụng tình hình dịch bệnh để làm vậy thì phải bị xử lý nghiêm minh”.
(https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-noi-ve-vu-nang-gia-may-xet-nghiem-covid-19-toi-nay-chi-co-tang-nang-20200623102734546.htm).
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.