1. Trang chủ /
  2. Nhiều câu hỏi quanh một số gói thầu tại Sở GD&ĐT Lạng Sơn

Nhiều câu hỏi quanh một số gói thầu tại Sở GD&ĐT Lạng Sơn

thứ ba, 31/5/2022 12:16 GMT+07
(PLM) - Nhiều gói thầu mua sắm do Sở GD&ĐT Lạng Sơn làm chủ đầu tư sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu đều không công khai các thông tin về nhãn hiệu, xuất xứ… khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính công khai, minh bạch.

Theo thông tin PV tìm hiểu, Ngày 3/1/2021, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hồ Công Liêm đã kí quyết định số 1599/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu (E-HSMT) “Gói thầu số 3: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 6 năm học 2021-2022 cho các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Gói thầu này do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư đồng thời cũng là bên mời thầu.

Theo thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, đây là gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và sử dụng nguồn ngân sách theo Quyết định số 2599/QĐ – UBND ngày 15/2/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Giá gói thầu theo quyết định phê duyệt E-HSMT là 31.036.590.600 đồng. Đơn vị lập hồ sơ mời thầu (E-HSMT) là Công ty CP Tư vấn và đầu tư công nghệ Đức Trí còn Công ty CP Tư vấn giáo dục và y tế Việt Nam là đơn vị thẩm định HSMT.

Quyết định phê duyệt nhà thầu do Phó GĐ Sở GD&ĐT Lạng Sơn Hồ Công Liêm ký.
Quyết định phê duyệt nhà thầu do Phó GĐ Sở GD&ĐT Lạng Sơn Hồ Công Liêm ký.

Mặc dù là một gói thầu có giá trị lớn, thế nhưng sau khi kết thúc giai đoạn mở thầu, chỉ có duy nhất một đơn vị nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu.

Ngày 30/12/2021, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn đã ký Quyết định số 1911/QĐ – SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 3: Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 6 năm học 2021-2022 cho các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Công nghệ tin học viễn thông – Công ty CP xây lắp thiết bị và công nghệ Phương Nam; giá trúng thầu là 30.368.386.000 đồng.

Đáng nói, các thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đáu thầu Quốc gia, tất các 179 sản phẩm, thiết bị trúng thầu đều có cùng một loại kí hiệu, nhãn mác ‘TBLS’ và được đánh số thứ tự từ TBLS001 đến TBLS260.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên tại một số đơn vị phân phối, cung cấp thì các thiết bị điện tử có trong gói thầu như: Máy tính xách tay, nồi cơm điện, bếp điện tử, quạt điện, đồng hồ, nhiệt kế điện tử... trên thị trường hiện nay không hề tồn tại loại ký hiệu, nhãn mác là TBLS. Đơn cử như sản phẩm máy tính xách tay, ký hiệu, nhãn mác của sản phẩm sẽ gắn với thương hiệu của nhà sản xuất như: Dell Ínpiron 15 3511 hay Apple MacBook Air M1 256GB 2020... Không có thương hiệu máy tính xách tay nào có kí hiệu TBLS260 cả và các đại lý cho rằng đây chỉ là nhãn mác tự đặt ra.

Không chỉ mập mờ về nhãn mác, ký hiệu hàng hóa mà ở mục ‘Mô tả hàng hóa’ cũng không được đăng tải theo đúng quy định. Tất cả các sản phẩm trúng thầu đều chỉ nêu: “Thông số kỹ thuật chi tiết của hàng hóa trong chương V của E- HSMT”.

Tương tự, tại một gói thầu khác là “Gói thầu 03: Mua sắm đồ dùng – đồ chơi – thiết bị dạy học tối thiểu và đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” cũng do Sở GD&ĐT Lạng Sơn làm chủ đầu tư.

Đây là gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước với giá gói thầu là 13.536.693.000 đồng, kinh phí từ nguồn hỗ trợ đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục: Đề án phát triển giáo dục mầm non đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tại Quyết định số 2599/QĐ – UBND ngày 15/12/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Theo Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và đồ chơi Long Hưng – Công ty TNHH MTV công nghệ Thăng Long Việt (địa chỉ tại Tập thể xí nghiệp xây dựng cầu 202, khu Liên Cơ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội); giá trúng thầu là 13.130.165.000 đồng.

Các thông tin về gói thầu được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, có đến 45/46 sản phẩm, thiết bị trúng thầu đều cùng một loại ký hiệu “MN” được đánh số thứ tự lần lượt từ MN231001 đến MN231021 và MN232022 đến MN232076. Trong đó, sản phẩm đàn Organ xuất xứ Trung Quốc có nhãn hiệu MN231020; sản phẩm tivi màu 55 inch xuất xứ Indonesia có nhãn hiệu MN231018. Thế nhưng theo các đại lý phân phối mà phóng viên khảo sát thì không có sản phẩm đàn Organ hay tivi nào có nhãn hiệu MN231020, MN231018.

Có thể thấy, cả 2 gói thầu mua sắm do Sở GD&ĐT Lạng Sơn làm chủ đầu tư đều có những dấu hiệu bất thường.