1. Trang chủ /
  2. Nhiều dịch vụ kì lạ xuất hiện cùng ‘làn sóng’ bùng nợ

Nhiều dịch vụ kì lạ xuất hiện cùng ‘làn sóng’ bùng nợ

thứ bảy, 24/6/2023 22:15 GMT+07
Trong thời gian gần đây, hành vi “bùng nợ” vay từ các ứng dụng vay tiền, thẻ tín dụng, công ty tài chính ngày càng lan rộng. Một số dịch vụ kì lạ cũng đã xuất hiện từ trào lưu này để hỗ trợ các con nợ dễ dàng tránh khỏi những rắc rối sau khi vay tiền không trả.
Nhiều hội tư vấn, bán dịch vụ hỗ trợ con nợ bùng tiền xuất hiện trên Facebook. Nhiều hội tư vấn, bán dịch vụ hỗ trợ con nợ bùng tiền xuất hiện trên Facebook.

Qua tìm hiểu, trên mạng xã hội Facebook, Tiktok hiện đang xuất hiện nhiều hội nhóm đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các con nợ sau khi vay tiền mà mất khả năng chi trả. Đơn cử như “Hội Bùng App vay tiền và Chia sẻ cách đối phó” với gần 100 ngàn thành viên, “Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng” với 30 ngàn thành viên... Các nhóm này đều hoạt động một cách công khai và liên tục có các bài viết hướng dẫn, bán dịch vụ hỗ trợ các con nợ muốn “bùng nợ” được đăng tải.

Mỗi khi có thành viên đăng bài than thở về hoàn cảnh đang vay tiền nhưng không có khả năng chi trả, sẽ có một loạt các bình luận động viên xuất hiện bên dưới bài đăng, đồng thời quảng cáo về các dịch vụ hỗ trợ với giá rẻ. Giúp các con nợ này thoát được những rắc rối có thể xảy ra khi bị đòi nợ.

Để sử dụng các dịch vụ hỗ trợ này, các con nợ phải cung cấp cho bên dịch vụ bùng nợ một số thông tin như số lượng app đã vay, thông tin vay, số điện thoại tham chiếu…

Dựa trên các thông tin đó, bên dịch vụ bùng nợ sẽ cung cấp cho các con nợ các loại dịch vụ khác nhau tùy theo chi phí mà khách hàng có thể chi trả. Các dịch vụ này gồm:

Sử dụng số Tổng đài gọi trấn an gia đình người muốn bùng nợ về thông tin mình đã bị hack và một số đối tượng là công ty tài chính lợi dụng để gọi đòi nợ. Trước khi thực hiện bước này, bên dịch vụ bùng nợ sẽ gọi trước để text cho khách hàng;

Cung cấp, hướng dẫn chuyển hướng các cuộc gọi đòi nợ sang cho bên cung ứng dịch vụ bùng nợ. Cụ thể, các con nợ sẽ được bên dịch vụ bùng nợ hướng dẫn cách chuyển hướng các cuộc gọi mà bên thu hồi nợ chuyển qua cho bên dịch vụ bùng nợ. Họ sẽ dùng kinh nghiệm của mình để trao đổi, dọa nạt và thậm chí gây mệt mỏi cho bên đòi nợ và từ đó giúp khách hàng hạn chế bị quấy rối qua điện thoại;

Cài đặt lại Facebook và Zalo cũng như cập nhật trước thông tin để hoán chuyển từ người có chủ đích “bùng nợ” trở thành người bị hại;

Hỗ trợ cắt ghép bằng chứng không vay nợ đăng lên Facebook, Zalo cá nhân. Cụ thể, bên dịch vụ bùng nợ sẽ cắt ghép những tấm hình của chính bản thân con nợ để đăng lên mạng xã hội cá nhân của khách hàng. Từ đó để bạn bè, gia đình cho rằng con nợ thực chất bị bên ứng dụng cho vay cắt ghép quấy rối chứ không có đi vay bất cứ khoản vay nào.

Ngoài ra, bên bán dịch vụ còn cho biết sẽ hỗ trợ khách hàng thêm 1 tờ đơn tố cáo gửi Công an để chứng minh sự “trong sạch” của bản thân và sẵn sàng hỗ trợ nếu trong quá trình sử dụng dịch vụ phát sinh vấn đề. Các đối tượng này còn quảng cáo dịch vụ hỗ trợ trao đổi với nhân viên tư vấn của ứng dụng vay tiền, để hồ sơ vay nợ của khách hàng mình nhanh được duyệt.

nhieu dich vu ki la xuat hien cung lan song bung no hinh 2
Ngay bên dưới những bài viết than thở nợ nần, nhiều đối tượng sẽ chủ động quảng cáo dịch vụ hỗ trợ bùng nợ.

Được biết, mức phí cho từng loại dịch vụ này sẽ được xác định và thanh toán trước sau khi bên cung cấp dịch vụ nhận thông tin từ phía khách hàng. Đồng thời giá dịch vụ cũng thay đổi tùy theo số lượng ứng dụng vay tiền, số tiền vay của khách hàng. Mức phí dao động từ vài trăm tới vài triệu đồng.

Đây là những loại thủ đoạn mới xuất hiện khi làn sóng quỵt tiền, bùng nợ xuất hiện ngày một nhiều, thậm chí là trở thành một trào lưu của những người vay nợ. Hoạt động của những đối tượng bán dịch vụ này không chỉ giúp khách hàng của mình chiếm đoạt tài sản là số tiền đã vay mà còn nhận được thù lao từ những hành vi đó.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi nói đến lừa đảo là người ta nghĩ ngay đến sự dối trá của người phạm tội, nên đặc điểm nổi bật của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là thủ đoạn gian dối của người phạm tội.

nhieu dich vu ki la xuat hien cung lan song bung no hinh 3
Nhiều con nợ đăng tải những khoản vay phải trả lên giống như "thành tích".

Tuy nhiên, hành vi phạm tội của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm hai hành vi khác nhau. Đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hai hành vi này lại có quan hệ với nhau, hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi lừa dối. Hành vi lừa dối có thể thể hiện qua lời nói, thông qua việc xuất trình giấy tờ sai sự thật hoặc qua những việc làm cụ thể.

Nếu trường hợp vay tiền không trả đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu và điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 174, BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 và tùy theo mức độ phạm tội có thể sẽ bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố và xét xử. Mức xử phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù và bị xử phạt lên tới 100 triệu đồng.