Nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng công tác xét xử
Phát biểu khai mạc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong những năm qua, Ban cán sự đảng và lãnh đạo TANDTC đã chủ động, sáng tạo đề ra rất nhiều giải pháp đột phá nhằm cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động Tòa án nói chung và nâng cao chất lượng công tác xét xử nói riêng.
Nhiều chủ trương, nhiệm vụ lớn của cải cách tư pháp đã được TAND đề xuất thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống Tòa án được củng cố và đổi mới mạnh mẽ; đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ giữ chức danh tư pháp được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; chất lượng công tác xét xử của Tòa án các cấp đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Vị thế, diện mạo, uy tín của Tòa án ngày càng được được nâng cao, Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, chất lượng công tác xét xử của Tòa án các cấp vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót; tổ chức và hoạt động của Tòa án còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên cơ sở ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu tại hội nghị, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo TANDTC sẽ nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử; hoàn thiện hồ sơ Luật Tổ chức TAND và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống Tòa án, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tại Hội nghị TANDTC tổng kết việc thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử của TAND qua 5 năm triển khai, đồng thời đề ra các giải pháp cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo đánh giá, trong hơn 5 năm qua, mặc dù số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý giải quyết hàng năm là rất lớn và có xu hướng gia tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng Tòa án đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai thực hiện tốt các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử nên hoạt động của Tòa án tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và đã khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc của những năm trước đây.
Từ năm 2018 đến nay, các Tòa án đã giải quyết được 2.427.859 vụ án các loại trong tổng số 2.490.699 vụ đã thụ lý. Nếu so với cùng kỳ của 5 năm trước (2013-2017), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng 507.849 vụ; đã giải quyết tăng 487.903 vụ.
Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Đặc biệt sau nhiều năm triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2022 công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và công tác giải quyết án hành chính đã đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cần tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử đang được thực hiện. Trong đó, cần tập trung khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động của các Tòa án.
Tiếp tục đổi mới quy trình phát triển án lệ, thực hiện nghiêm chỉ tiêu đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ; triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất và trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND; đồng thời, có kế hoạch để triển khai thực hiện nghiêm túc Luật này khi được Quốc hội thông qua.
Cùng đó, thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần làm giảm áp lực về công việc cho các Tòa án; vận hành có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin đã đưa vào sử dụng để tiết kiệm thời gian và tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Tòa án. Trong đó, cần tích cực vận hành phần mềm Trợ lý ảo để giúp Thẩm phán rút ngắn thời gian nghiên cứu vụ việc; phần mềm quản lý án và trung tâm tích hợp dữ liệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động Tòa án các cấp.
Tại hội nghị, đại diện Ban Nội chính Trung ương đã giới thiệu nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.