Nhiều thủ tục hành chính mới được ban hành trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Điều kiện có quyền đăng ký sáng chế
Theo đó, Bộ KH&CN đã công bố 9 thủ tục hành chính mới ban hành cấp trung ương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN gồm: Thủ tục đăng ký sáng chế; thủ tục yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định đơn đăng ký sáng chế của nước ngoài; thủ tục xử lý đơn PCT vào giai đoạn quốc gia; thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp; thủ tục đăng ký nhãn hiệu; thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý; thủ tục xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Quyết định 3038/QĐ-BKHCN cũng công bố 8 thủ tục hành chính cấp trung ương được bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ gồm: Thủ tục đăng ký sáng chế; thủ tục đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam; thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp; thủ tục đăng ký nhãn hiệu; thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý; thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp; thủ tục yêu cầu cấp bản sao tài liệu.
Đồng thời, Quyết định 3038/QĐ-BKHCN quy định rõ điều kiện để tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký sáng chế. Cụ thể như sau: Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình. Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
Đối với những sáng chế là kết quả của nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, không thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, quyền đăng ký sáng chế thuộc về tổ chức được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN đó. Phần quyền đăng ký sáng chế này tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì.
Đối với những sáng chế là kết quả của nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước và tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được sử dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ đó. Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký này.
Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký sáng chế có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ 120.000 đồng/1 yêu cầu bảo hộ độc lập
Bên cạnh đó, Quyết định 3038/QĐ-BKHCN quy định lệ phí nộp đơn là 150.000 đồng (cho mỗi đơn). Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn theo hình thức trực tuyến thì năm 2024, 2025 mức thu lệ phí nộp đơn: 75.000 đồng/đơn; từ năm 2026 trở đi mức thu lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn. Phí thẩm định là 900.000 đồng (cho mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập). Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng (cho 1 yêu cầu bảo hộ độc lập) (từ yêu cầu bảo hộ độc lập thứ 2 trở đi: 100.000 đồng/1 yêu cầu bảo hộ độc lập). Phí công bố Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng (từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 đồng/1 hình)…
Quyết định 3038/QĐ-BKHCN nêu rõ, thời hạn giải quyết đối với thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp đơn hợp lệ; 1 tháng 10 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định hình thức đơn; 3 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót…
Đối với thẩm định nội dung thời hạn giải quyết là 18 tháng kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn trong trường hợp đơn hợp lệ; 24 tháng kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn…
Đối với đơn đăng ký sáng chế mật, thời hạn thẩm định nội dung nêu trên sẽ được tính kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày đơn được chấp nhận hợp lệ.
Quyết định 3038/QĐ-BKHCN nêu rõ thời gian cấp văn bằng bảo hộ là 15 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí. Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ (trừ văn bằng bảo hộ sáng chế mật) trên Công báo Sở hữu công nghiệp là 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.