Nhìn lại các kiến thức của học giả Phan Kế Bính về Phật giáo
Không phải bỗng dưng mà bộ sách Việt Nam Phong Tục của ông Phan Kế Bính lần lượt được NXB Văn Học; NXB Văn Hoá Thông Tin; NXB Hồng Đức lần lượt tái bản.
Gần đây nhất, NXB Kim Đồng tiếp tục tái bản và phát hành tập sách vào ngày 12/04/2020 với lời giới thiệu:
- Tập sách có thêm phần chú giải, hiệu chỉnh giúp độc giả ngày nay có thể hiểu rõ hơn tác phẩm…
- Ấn bản được in bìa cứng với gần 100 minh hoạ sống động của hoạ sĩ Bùi Ngọc Thuỷ.
Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính (PKB, 1875-1921) đã dành hơn 12 trang để viết về Nho giáo, Phật giáo và Lão Tử giáo (VNPT, NXB.TP.HCM, 1999, tr.164-175). Đây là những trang viết được xem là đầu tiên thuộc mảng Nghiên cứu của văn học chữ quốc ngữ, viết về ba học thuyết lớn của phương Đông, đã có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Việt Nam (Phật giáo lược khảo của Phạm Quỳnh viết năm 1920, Khổng giáo luận của Phạm Quỳnh viết năm 1921, bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim ra đời vào năm 1930…).
Trước khi đi vào phần viết về Phật giáo (sđd, tr.168-173), chúng tôi xin mở ngoặc để nói qua về nhan đề và một số điểm có liên quan tới Phật giáo nơi nội dung của sách. Ông Phan Kế Bính đã không ghi tài liệu tham khảo (có thể hồi đó chưa quan tâm tới vấn đề ấy?) và trong quá trình biên soạn để giới thiệu, mô tả các tập tục xa gần, việc nêu dẫn tài liệu tham khảo hầu như rất ít, và nhất là quá sơ sài. Như vậy, cộng với phần điều tra, tiếp cận thực địa mà tác giả gọi là “những sự mắt trông thấy, tai nghe tiếng” (sđd, tr.8) tất cả đã đủ tính khái quát để có thể gọi là phong tục của cả nước chưa? Chúng tôi e rằng chưa. Bởi vì chỉ cần đọc qua các phần có liên quan tới Phật giáo cũng đủ thấy rõ điều đó.
Các phần có liên quan tới Phật giáo gồm:
– Mục Thuật kiêng giữ, thuộc phần Cha mẹ với con (tr.11).
– Mục Nghi trượng đi đường, thuộc phần Tang ma (tr.27).
– Mục Chung thất, đốt mã, cũng thuộc phần Tang ma (tr.28, 29).
– Mục Tết Trung Nguyên, thuộc phần Tứ thời tiết lập (tr.39).
– Phần Cầu tự (tr.56, 57).
– Phần Lễ kỳ an (tr.84, 85, 86).
– Phần Chùa chiền (tr.86, 87, 88, 89).
– Phần Kỵ hậu (tr.93).
– Phần Am chúng sinh (tr.95).
– Phần Hội Chư Bà (tr.143, 144).
Trong sách này, ông Phan Kế Bính viết: "Phật giáo do đạo Bà La Môn mà ra" (tr.219).
Ta hãy thử nhìn lại kiến thức này.
Theo thiển ý của người viết, điều này (ông Phan Kế Bính nói ở trên) hoàn toàn sai lầm về mặt nghiên cứu lịch sử và triết học. Đức Phật tuy xuất thân từ giai cấp Sát Đế Lợi, tức vua chúa, theo sự thiết lập trật tự xã hội và phân quyền của Bà La Môn giáo, Ngài từng tu học với các tu sĩ ngoại đạo, điển hình là A La Lam và Uất Đầu Lam Phất nhưng do không đạt ý chí hướng thượng của Ngài, nên Đức Phật đã từ bỏ tất cả để quyết tâm tìm ra chân lý. Nhờ nỗ lực thiền định ngài đã thành bậc vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là bậc Giác ngộ toàn năng.
Giáo pháp của chư Phật, tuỳ theo căn cơ chúng sanh mà diễn đạt cao thấp khác nhau. Chung quy lại có Nhân Thiên Thừa (Nhân Thừa, Thiên Thừa) và Giải Thoát Thừa (Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ Tát Thừa). Tuy Đức Phật có sử dụng lại vài khái niệm Luân Hồi, Bản Ngã, Niết Bàn của Bà La Môn giáo nhưng nội dung hoàn toàn khác biệt.
Triết học Phật giáo là Duyên Sanh Vô Ngã, phủ nhận quyền lực sáng tạo của thần linh, trong khi đạo Bà La Môn là đa thần giáo với nhiều dòng tư tưởng khác nhau, điển hình là tư tưởng kinh Vệ Đà. Nếu luân hồi của Bà La Môn Giáo là tiến trình tiếp nối của sự phân chia giai cấp truyền kiếp đầy bất công như đời này sanh làm người trong giới thượng lưu thì đời sau vẫn thế và ngược lại; thì luân hồi trong Phật giáo là sự xuống lên bất tận chặt chẽ của Nghiệp thiện và Nghiệp ác do nhân quả chi phối.
Nếu Đức Phật trao quyền làm 'chủ nhân ông' cho mỗi người, thì Bà La Môn giáo đã tước đi ước mơ giải thoát của những giai cấp hạ tầng. Còn những hạng Bà La Môn, Sát Đế Lợi trong Bà La Môn giáo có tạo trọng tội cũng thành vô tội....Tất cả điều này tạo nên một sự phân biệt giai cấp đầy bất công, không bình đẳng như Phật giáo. Ngay cả khái niệm giải thoát, bỏ Tiểu Ngã để hoà tan vào Đại Ngã của Phạm Thiên, cũng hoàn toàn trái với mục tiêu Giác ngộ tối hậu của đạo Phật. Phật Tánh chẳng phải đại ngã của ngoại đạo, mà đó là cái nhìn bất nhị thuộc về Không Tánh. Đó là chủ trương vô ngã pháp, thì nhập vào đâu? Lấy cái gì nhập cái gì?
Vậy nên nói Đạo Phật do đạo Bà La Môn mà ra là thiếu cơ sở và hoàn toàn vô lý dù rằng Đức Phật đã sử dụng một số thuật ngữ của ngoại đạo.
(Còn tiếp).