Nhớ bát mì Quảng của ngoại
Mì Quảng, món ăn truyền thống của người Quảng Nam- Đà Nẵng
Kì cục và lạ là mì Quảng không có cái giới hạn về độ ngon nên chưa ai dám nói “tôi nấu ngon nhứt hay quán nào là ngon nhứt” mà người đói ăn mì ngon theo kiểu đói.
Người thèm ăn ngon theo kiểu thèm,người thưởng thức hương vị và khám phá văn hóa ẩm thực thì ngon theo kiểu phong vị một cái ngon khác lạ rất chi.
Với tui tô mì ngon nhứt là những buổi theo ngoại ra đồng vào mùa gặt bắt châu chấu chơi đùa trên đồng và thi thoảng lén nhìn chị em chưa chồng nhổ lông nách bằng hạt lúa tạp giao nơi bụi tre cuối cánh đồng lơ phơ trong gió, rứa cũng đủ nhớ về quê rồi cần mẹ chi những thứ hay ho…
Trong cái mùi thơm thảo của đồng nội của mùi bùn lầy của phân trâu của nắng mai tươi rói. Chạy xà quần chơi miết đến cở 10h sáng là ngoại bả dói (gọi) rân trời đất về ăn nửa buổi.
Trên đôi quang gánh tòn ten dì út gánh ra, cái nồi nước nhưn ám khói đen thui một nồi nước lềnh bềnh với ít ván dầu và xác nén khử cháy đen một vài cọng hành xanh lơ điểm xuyết vào trong không gian lạt nhách đó và thoáng chao gợn dưới mỗi nhịp chân đi của dì đẹp như thơ.
Mì thì mì lá được cắt ra sợi với màu đục đục, cái tô trẹt lét cái đít được chia đều, tôi háu ăn nên ngoại thường gắp bỏ thêm mì, đoạn dì chan nước nhưng lỏng leo với vài lát thịt heo trắng nhách trôi lênh đênh trong nồi.
Cả nhà,quây quần quanh nồi, tui, ngoại, cậu và dì ngồi ăn trong tiếng trâu bất chợt gọi nhau nghé ọ trong những đợt gió mai heo heo quét qua những thửa ruộng chưa gặt xong từng đợt gió dập dìu đong đưa những vạt lúa rung lên như sóng
Những đôi đũa vung lên những khoanh mì được ăn trong một buổi mai trên đồng quê thơm thảo đó ngon đến xao động tâm can.
Với tui đó là tô mì quảng ngon nhứt trần đời.
Sau này khi có dịp ngồi ở những nhà hàng bực nhứt những khách sạn năm sao sang trọng ăn những tô mì bóng bẩy điệu đà kiểu cách màu mè mà thấy vô hồn lạc nhách không ra chi.
Tôi có tìm đọc về mì, nhưng tựu chung là chưa thấy một áng văn nào ra hồn xứng tầm với món bình dân mộc mạc như mì Quảng cả.
Phở có Nguyễn Tuân viết xôn xao lay động rồi, thậm chí Tô Hoài trong “Cát bụi chân ai” cũng nói về phở hết sức long trọng và hay ho. Hà Nội có Vũ Bằng nức nở thổn thức với món ngon Hà Nội, hay nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết về rau muống luộc thôi cũng nhứt nhối rồi riêng mì Quảng thì chưa.
Đó là nhiệm vụ chính trị là nhiệm vụ văn hóa hết sức cao cả và thiêng liêng mà mỗi người con đất Quảng đã ăn và luôn ăn mì phải viết mà viết để chi?
Để nó thành văn hóa, để nó thành bản sắc để khi đi xa trong tiềm thức của con người Quảng luôn nhớ về.
Rứa thôi, hết sức giản đơn.