Nhóm đảo chính Niger đồng ý gặp thuyết khách, tố Pháp thả tù nhân
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Niger cáo buộc Pháp xâm phạm không phận nước này, tấn công một doanh trại quân đội và thả tự do cho "những kẻ khủng bố" nhằm phá hoại đất nước. Pháp phủ nhận các cáo buộc.
Sĩ quan quân đội Amadou Abdramane, phát ngôn viên của nhóm đảo chính, đã đưa ra các cáo buộc mà không cung cấp bằng chứng, gây căng thẳng trước cuộc họp quyết định vào hôm nay của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
Bộ Ngoại giao Pháp bác bỏ các cáo buộc, nói rằng máy bay của họ đang hoạt động theo một thỏa thuận hiện có với lực lượng Niger và quân đội của họ đang ở quốc gia Tây Phi theo yêu cầu của các cơ quan hợp pháp.
Chính quyền quân sự Niger từng liên tiếp từ chối các đề nghị đàm phán ngoại giao từ các phái viên châu Phi, Mỹ và Liên hợp quốc. Tuy nhiên, họ đã đồng ý cuộc gặp vào thứ Tư với hai đặc phái viên của Tổng thống Nigeria Bola Tinubu tại thủ đô Niamey.
Các phái viên - các nhà lãnh đạo truyền thống nổi tiếng Lamido Muhammad Sanusi và Abdullsalami Abubarkar - được phép vào nước này mặc dù biên giới đã đóng cửa. Chỉ có Sanusi gặp lãnh đạo cuộc đảo chính, Tướng Abdourahamane Tiani. Trong khi đó, người thuyết khách còn lại gặp các đại diện khác tại sân bay.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để đưa hai bên xích lại gần nhau nhằm tăng cường hiểu biết. Đây là thời điểm cho đàm phán ngoại giao", ông Sanusi nói với các phóng viên khi trở về Abuja.
Đảng của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum cáo buộc chính quyền quân sự, những người thực hiện cuộc đảo chính vào ngày 26 tháng 7, đã giam giữ ông và gia đình một cách "tàn ác" và "vô nhân đạo" tại Dinh Tổng thống.
Trong một tuyên bố kêu gọi để cứu họ, đảng PNDS-Tarayya hôm thứ Tư cho biết ông Bazoum không có nước sinh hoạt, không có điện, không được ăn uống đầy đủ hoặc chăm sóc y tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Mỹ rất lo lắng về sự an toàn của Bazoum và vẫn đang tìm cách thiết lập lại trật tự cũ. "Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các đối tác trong khu vực. Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các chính phủ khác", ông tuyên bố.
Quân đội Mỹ vẫn đang có mặt ở Niger cùng với các lực lượng Pháp, Ý và Đức như một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm chống lại quân nổi dậy Hồi giáo tàn phá khu vực Sahel, theo các thỏa thuận với chính quyền dân sự trước đó của Tổng thống Bazoum.