Nhóm cán bộ ngân hàng biến chất chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng như thế nào?
1. Chiều 31/3, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Kim Chi (cựu Giám đốc Ngân hàng OceanBank Chi nhánh Hải Phòng) do liên quan đến hành vi tham ô số tiền 414 tỷ đồng, là tiền của nhiều khách hàng gửi vào Ngân hàng OceanBank Chi nhánh Hải Phòng.
Cùng hầu toà với bị cáo Chi là ba bị cáo: Lê Vương Hoàng (cựu Kiểm soát viên Ngân hàng OceanBank Chi nhánh Hải Phòng), Nguyễn Thị Minh Huệ (cựu Trưởng phòng Kế toán kho quỹ Ngân hàng OceanBank Chi nhánh Hải Phòng) và Chu Văn Nha (cựu Thủ quỹ Ngân hàng OceanBank Chi nhánh Hải Phòng).
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2012 đến 8/2017, 4 bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng sơ hở của ngân hàng trong công tác quản lý, phát hành thẻ tiết kiệm cho khách hàng. Các bị cáo dùng thủ đoạn gian dối, nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nhưng không hạch toán vào hệ thống quản lý của ngân hàng. Sau đó, 4 bị cáo tất toán khống, lập khống hồ sơ vay cầm cố thẻ tiết kiệm của khách hàng, phát hành 109 thẻ tiết kiệm ngoài hệ thống cho 27 khách hàng, chiếm đoạt của Ngân hàng OceanBank Chi nhánh Hải Phòng gần 414 tỷ đồng.
Quá trình xét xử, các bị cáo khai, một khoản tiền trong số tiền gửi của khách hàng đã được Chi chỉ đạo nhân viên mang sang Ngân hàng Vietinbank gửi nhằm hưởng lãi chênh lệch. Số tiền lãi đó, các bị cáo đã chia nhau và chơi lô đề. Bị cáo Chi cho biết, khi sự việc bị lộ, bị cáo đã chỉ đạo rút toàn bộ tiền gửi bên Vietinbank về để thanh toán cho khách hàng.
Tại phiên toà, đại diện Ngân hàng Ocean Bank cho rằng, việc trả lại tiền cho bị hại là trách nhiệm của 4 bị cáo Chi, Hoàng, Huệ và Nha. Trong đó, bị cáo Chi là Giám đốc Ngân hàng OceanBank Chi nhánh Hải Phòng, nhưng chỉ đảm nhiệm cương vị quản lý, điều hành; còn ký hồ sơ, tất toán các tài khoản tín dụng phải do lãnh đạo Hội sở quyết định. Hội sở chỉ chịu trách nhiệm khi tiền gửi của khách hàng đã được hiển thị trên hệ thống quản lý điện tử của ngân hàng.
Tham dự phiên toà, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các khách hàng và đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà cùng cho rằng, Ngân hàng OceanBank có trách nhiệm phải thanh toán tiền gốc và lãi cho các khách hàng gửi tiền. Bởi cả 4 bị cáo đều chịu sự quản lý, điều hành của ngân hàng. Và thực tế cho thấy, người gửi tiền đã chuyển tiền, và đại diện ngân hàng cũng đã chuyển lại sổ tiết kiệm có dấu đỏ cho người gửi tiền.
Trước đó, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này và tuyên phạt bị cáo Chi tử hình; bị cáo Hoàng và bị cáo Huệ chung thân; bị cáo Nha 20 năm tù cùng về tội tham ô tài sản.
Về trách nhiệm dân sự, TAND TP Hải Phòng tuyên buộc Ngân hàng OceanBank có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền gốc, tiền lãi cho 27 khách hàng mở thẻ tiết kiệm đã bị bị cáo Chi cùng đồng phạm chiếm đoạt. Ngoài hình phạt tù, bị cáo Chi còn bị tuyên phải bồi thường hơn 353 tỷ đồng và 2,7 triệu USD cùng tiền lãi phát sinh cho Ngân hàng OceanBank. Các bị cáo khác bị tuyên phải bồi thường lãi phát sinh cho Ngân hàng OceanBank.
2. Ngày 25/3, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Hạnh (SN 1977, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) và bị cáo Đoàn Việt Hà (SN 1989, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đều là cựu nhân viên Ngân hàng PVCombank.
Cùng hầu toà là bị cáo Nguyễn Việt Anh (SN 1988, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là cựu nhân viên GPBank và bị cáo Dương Hồng Đính (SN 1965, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) là cựu nhân viên Ngân hàng TPBank bị truy tố về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Theo cáo trạng, năm 2017, Hạnh mua máy khắc dấu polyme, máy ép plastic với ý định mở doanh nghiệp khắc dấu. Do nhiều lần làm thử hình dấu không sắc nét và thủ tục lập doanh nghiệp phức tạp nên Hạnh từ bỏ ý định trên. Hai năm sau, Hạnh thấy nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu cần các văn bản của ngân hàng như cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản… để chứng minh năng lực, nên Hạnh đã làm giả con dấu của một số ngân hàng, mua thêm phôi giấy in có logo của các ngân hàng để làm giả các giấy tờ trên.
Khi được Hạnh trao đổi, Hà, Đính và Việt Anh đồng ý sẽ tìm những người có nhu cầu cần tài liệu trên. Các bị cáo sẽ chuyển thông tin để Hạnh in nội dung tài liệu trên các mẫu giấy có sẵn, giả chữ ký của những người có thẩm quyền... Sau khi bàn bạc, Hạnh, Hà và Việt Anh đã làm giả các tài liệu gồm các xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản của nhiều ngân hàng cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Năm 2019, Nguyễn Hữu Quang là Giám đốc tài chính của ba công ty tư nhân. Do có nhu cầu chứng minh năng lực tài chính, nhằm kêu gọi đầu tư, Quang đã giao cho nhân viên là Vũ Văn Cương tìm quan hệ để vay tiền nộp vào tài khoản các công ty trên để ngân hàng xác nhận số dư, sao kê tài khoản. Cương đã liên hệ với Việt Anh và nhóm này đã làm giả các tài liệu, thể hiện tài khoản của một số công ty với số tiền hàng trăm triệu đồng. Vào thời gian trên, do dịch COVID-19 bùng phát nên đối tác nước ngoài không đầu tư vào dự án, do đó Quang chưa sử dụng các tài liệu đó.
Tháng 4/2020, Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Bình Phước nhờ Quang vay tiền làm xác nhận số dư 40 tỷ đồng để chứng minh năng lực tài chính. Thời điểm này, Quang được Trần Văn Lợi (Kế toán trưởng Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin RTD) nhờ vay tiền làm xác nhận số dư, sao kê tài khoản 25 tỷ đồng để chứng minh năng lực cho công ty. Quang tiếp tục giao cho Cương tìm quan hệ và Cương tìm nhóm Việt Anh trợ giúp.
Tháng 5/2020, ông Nguyễn Thiên Bắc (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Diamond) muốn hợp tác với Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Việt Úc để thực hiện dự án Khu đô thị Ngọc Xuyên. Qua các mối quan hệ, Hạnh nhận làm giả xác nhận số dư của Công ty Việt Úc tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) là 240 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, các bị cáo làm giả xác nhận số dư tài khoản, sổ phụ khách hàng của Ngân hàng Agribank xác nhận tài khoản của Công ty cổ phần Chăn nuôi công nghệ cao Thái Nguyên ngày 24/7/2020 là 50 tỷ đồng; tài khoản VCB của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ kho vận Việt Nam là 192 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phát triển kiến trúc đô thị Việt Nam là 200 tỷ đồng…
Trong số các doanh nghiệp liên quan đến vụ án còn có Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Tháng 11/2020, bà Nguyễn Thị Vân Anh là nhân viên FLC được giao liên hệ với các ngân hàng làm cam kết cấp tín dụng số tiền 4.168 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu văn hóa đa năng Vĩnh Thịnh, An Tường ở tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Vân Anh gặp Việt Anh đặt vấn đề, sau đó Việt Anh đã chuyển thông tin cho Hà, Hạnh để làm giả tài liệu thể hiện VCB Chi nhánh Hà Nội cam kết cấp tín dụng số tiền 4.168 tỷ đồng cho FLC...
Cáo trạng xác định, các bị cáo làm giả 47 tài liệu ngân hàng trong đó có 29 tài liệu của VCB, 10 tài liệu của Vietinbank, 6 tài liệu của Agribank và 2 tài liệu của VPBank. Các bị cáo đã lợi dụng sự am hiểu quy định, trình tự và thủ tục của ngân hàng để phạm tội tinh vi.
Với các cá nhân, đại diện doanh nghiệp, các đối tượng trung gian nhờ làm tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên cần tách hành vi để làm rõ, xử lý sau. Kết thúc phiên toà, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hạnh 6 năm tù, bị cáo Hà 5 năm tù, bị cáo Việt Anh 5 năm tù và bị cáo Đính 18 tháng tù cùng về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".