Nhức nhối tai nạn lao động
Anh Nguyễn Thanh Quang, 41 tuổi, một trong những người may mắn thoát chết trong vụ tai nạn bàng hoàng kể lại: "Do may mắn ngã vào sau chỗ máy trộn hồ đang ở cạnh đó nên khi bức tường đổ xuống, tôi ít bị gạch đá, xi măng, trụ bê tông… đè lên người. Sau đó tôi được nhiều người chạy lại bới gạch đá rồi kéo ra. 20 năm làm thợ hồ, tôi chưa bao giờ chứng kiến vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nào khủng khiếp như vậy".
Những người thợ sắt tại công trình cho biết, vào thời điểm trước khi bức tường bị đổ sập họ nghe tiếng gió rít từng hồi rất mạnh, báo hiệu trời sắp đổ mưa. Sau đó không lâu thì bức tường sập đổ, lẫn trong tiếng gió rít là tiếng người gào thét.
Ông Phan Viết Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, thời điểm xảy ra vụ tai nạn có gió lốc nên khả năng tường nhà xưởng của Nhà máy Savvy Seafood đang xây cao, vữa chưa khô, dẫn đến đổ sập, gây tai nạn.
TNLĐ từ lâu vẫn tồn tại như một thách thức đối với những biện pháp tuyên truyền, những phương cách phòng chống. TNLĐ xảy ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề với các mức độ khác nhau. Và cũng thật đáng buồn, trong nhiều trường hợp những vụ TNLĐ đã không được báo cáo. Lý do được cho là chủ cơ sở sản xuất, xây dựng sợ ảnh hưởng uy tín, có khi bị buộc phải tạm dừng sản xuất, thi công. Thường thì hai bên (chủ sản xuất và người bị TNLĐ hoặc thân nhân của họ) thương lượng, đền bù để “khép lại câu chuyện một cách êm thấm”.
Cũng chính vì thế mà theo cơ quan chức năng, số liệu báo cáo từ các địa phương về TNLĐ thường là thấp và cũng không thực hiện đúng định kỳ theo quy định. Từ đó “bức tranh” về TNLĐ không trung thực như nó phải có, vì thế cũng không đủ sức cảnh báo. Thực tế không ít địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ TNLĐ, trong đó có những vụ mà mức độ tổn thất về người không nhỏ.
Ngày 16/7/2022, UBND TP Hải Phòng đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố. Lý do: số vụ TNLĐ tăng cao. Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2021, Hải Phòng xảy ra 169 vụ TNLĐ. Trong đó, TNLĐ chết người là 20 vụ...
Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngay trong “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động” năm nay đã xảy ra 8 vụ TNLĐ, làm chết 8 người, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 3 vụ xảy ra ở công trình xây dựng, sửa chữa nhà dân; 2 vụ trong lĩnh vực sản xuất, 3 vụ lĩnh vực dịch vụ - vận tải.
Còn nhớ, ngày 28/4/2022, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, với chủ đề "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19". Thông điệp tại buổi lễ là phải bảo vệ nguồn nhân lực - tài sản giá trị nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn gia tăng. Trong khi đó một bộ phận người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức; không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế.
Như vậy có thể thấy TNLĐ đến cả từ hai phía: người sử dụng lao động và lao động. Phía người sử dụng lao động thiếu kiểm tra, nhắc nhở, thiếu trang thiết bị bảo hộ cho người lao động. Còn người lao động mất cảnh giác, không tuân thủ quy định về bảo hộ lao động.
Chính vì thế, để kéo giảm TNLĐ, theo bà Phạm Thị Thanh Thuận - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), ngoài việc tuyên truyền, kiểm tra, mở các lớp tập huấn kỹ năng thì rất cần đến sự giám sát các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Trong trường hợp để xảy ra TNLĐ gây hậu quả nghiêm trọng thì cần thiết phải khởi tố vụ án.